Con gái Giáng My xinh xắn tuối trăng tròn
31-01-2012 , 11:04
Nhưng, Anh Sa hình như không thích thú quá nhiều đến showbiz mà cô chỉ quan tâm đến những lĩnh vực khoa học, thích các môn toán, lý, hóa, không giỏi về văn chương mơ mộng. Giáng My có rất nhiều quần áo kiểu tiểu thư, điệu đà như các cô gái showbiz thường mặc nhưng Anh Sa thì không thích, cô lại thích phong cách bùi bụi, lúc nào cũng chỉ thích kín cổng, cao tường với sơ mi mà thôi.
Khi Anh Sa sang Mỹ du học, cô điện thoại về cho Giáng My nói là cô bé được bầu chọn là học sinh Asian đẹp nhất trường nhưng cô lại không thích sự bình chọn đó. Cô bé nói, việc bình chọn này làm cô thấy áp lực, cô sợ những bạn khác quan tâm tới hình thức sẽ ghét mình.
Cô chỉ muốn được bình chọn về mặt học hành, học giỏi môn nào đó mà thôi. Nhưng, Giáng My đã khéo léo nói với con: con phải lấy điều đó làm tự hào cho Việt Nam vì trường con có người Việt Nam được bình chọn như vậy là rất tốt.
Giáng My nuôi con theo phong cách cổ, chị ngủ cùng con gái từ khi con gái sinh ra tới khi 13 tuổi. Anh Sa 13 tuổi thì chị quyết định phải tách con gái ra để cô bé tự lập một chút, nhưng rồi chính chị bị ốm mất 2 tuần vì không được ngủ cùng con.
Con đi du học xa, không có điều kiện ở gần con nên mỗi khi Anh Sa về thăm nhà là Giáng My dành toàn bộ thời gian của mình cho con.
Chị đi đâu, làm gì cũng mang con gái đi theo cùng để được trò chuyện, tâm sự với con mỗi ngày. Giáng My cũng để ý nói với con gái chuyện giới tính, chuyện con trai, con gái. Chị nhớ ngày xưa, mẹ chị vô cùng ngại ngùng khi nói đến những chuyện như thế làm cho chị luôn thấy chuyện đó là cái gì đó bí ẩn, luôn luôn thấy đó là những gì vô cùng tội lỗi.
Giáng My chọn cách nói cởi mở với con, nhưng khi bắt đầu vào câu chuyện, chị đều nói bằng một chuyện cười nào đó rất vui.
Chị kể cho con gái nghe câu chuyện của anh chàng miền núi, anh ta cứ làm vợ có bầu liên miên vì anh xài bao cao su ở… ngón tay. Kể rồi chị hỏi, con có biết tại sao lại như vậy không? Anh Sa nghe xong thì nói: Mẹ ơi, chuyện ấy xưa lắm rồi, con học ở trường quốc tế họ dạy từ nhỏ rồi, thậm chí còn dạy từng bộ phận trên cơ thể con người, từng phần một nên mẹ đừng có lo.
Với lại, tiêu chuẩn của con cao lắm… Giáng My nghe thế thì yên tâm hẳn lên. Anh Sa học trường quốc tế từ nhỏ, ở trường dạy rất cởi mở về vấn đề giáo dục giới tính nên chị cũng biết là con hiểu chuyện. Nhưng, chị vẫn nói với con, “chuyện đó” không phải là tội lỗi, là những điều rất đẹp nhưng cần đến một lúc nào đó chín muồi chứ không phải lúc này.
Đợt vừa rồi, Giáng My đưa Anh Sa đi nghỉ ở Hàn Quốc, khi đi shopping, bất ngờ Anh Sa gặp lại một anh chàng người Hàn Quốc học số 1 ở trường của Anh Sa. Cô bé vui mừng lắm nói là đấy là anh học số 1 trường con, mọi người rất hâm mộ và con cũng rất hâm mộ chuyện anh học.
Cả nhà hỏi dồn là con có thích anh không? Anh Sa hồn nhiên nói là cô bé rất thích anh vì anh học giỏi và bọn con phấn đấu để được như anh ấy. Anh vào trường Colombia thì con cũng sẽ phải vào trường Colombia. Giáng My hiểu con gái chỉ là một sự hâm mộ chứ chưa phải là yêu.
Con gái xinh đẹp lại đang ở tuổi mới lớn, đầy những mộng mơ thì mẹ nào cũng lo lắng, nhưng Giáng My đã lựa chọn cho con môi trường học khá an tâm, chị bảo, khi chị sang trường và quan sát thì thấy học sinh đều “tồ” như nhau cả, các em luôn cố gắng vì mục đích học chứ ít có chuyện yêu đương này nọ. Nhà trường cũng rất cẩn thận trong chuyện này.
Mỗi tuần, học sinh trong trường như Anh Sa thường được đến nhà của một người dân địa phương để ăn tối và giao lưu văn hóa. Trong các chuyến đi đó, người đi cùng Anh Sa nếu là con gái thì hơn Anh Sa một lớp để có thể chỉ dẫn kinh nghiệm cho cô, nếu là con trai thì phải nhỏ hơn 1 tuổi để đỡ… thích nhau. Cũng vì thế mà chị không lo nhiều đến cạm bẫy quanh con gái.
Việc làm ấy của Anh Sa thật hồn nhiên và chẳng toan tính gì, cô bé đang lớn lên hòa đồng và giản dị, không kiêu căng. Giáng My tự hào về con gái bởi sự giản dị ấy, gia đình Giáng My có đủ điều kiện để cô bé có thể đòi hỏi bất cứ một thứ gì, nhưng Anh Sa chẳng bao giờ mở miệng đòi hỏi gì.
Con gái là chỗ dựa ngọt ngào của Giáng My
Con gái là cả cuộc sống của Giáng My nên chị làm việc gì cũng nghĩ đến con gái đầu tiên, ngay cả chuyện tình cảm cũng thế, chị cũng đều nghĩ cho con trước. Chị hỏi Anh Sa rằng, nếu chia sẻ tình cảm như thế thì con có vui hay không? Và qua đó chị biết Anh Sa là cô con gái rất hiểu và thương mẹ, cô bé có suy nghĩ rất người lớn, chín chắn, cô bé lúc nào cũng nói là làm thế nào để mẹ hạnh phúc, mẹ thấy vui là được.
Giáng My nhớ một hôm, chị có công việc không thuận lợi, chị thấy buồn, hơi ủ dột. Anh Sa nhắn cho chị một cái tin rằng: “Có những lúc bạn phải đi thật xa, có những lúc bạn phải nói nhỏ để xem ai sẽ lắng nghe bạn, có những lúc bạn phải có lỗi lầm để xem ai sẽ sửa lỗi lầm cho bạn...”, chị thật sự giật mình khi thấy con gái viết như thế, như thế thì đủ biết tư duy cô bé rất chững chạc. Vô hình, con gái đã trở thành chỗ dựa ngọt ngào cho cuộc sống của chị.
Ngày sinh nhật chị, Anh Sa viết dòng chúc mừng mẹ không giống ai: Người bạn thấu hiểu con nhất là mẹ, người luôn bên cạnh con là mẹ và trên tất cả là người thương con vô cùng cũng là mẹ, I love You, chúc mẹ một tuổi mới nhưng là tuổi càng ngày càng tụt xuống. Giáng My hạnh phúc lắm khi nhận được những lời viết đó, cô bé luôn vậy, cô biết thời điểm nào cần nói gì với mẹ. “Quả ngọt” của chị đang cho chị thêm năng lượng sống mỗi ngày.
Xác định luôn là bạn của con nên Giáng My cũng phải học cách sống với con và thế giới của con để hiểu thế hệ của con đang nghĩ gì, muốn gì. Chị chia sẻ với con mọi việc như một người bạn.
Ngày xưa, bố mẹ chị luôn có khoảng cách đối với con cái, bố chị khó tính, khi ăn không được nói chuyện, không muốn chị và mẹ chị xem những bộ phim Đài Loan sướt mướt, thì bây giờ chị không hề cấm đoán mà cho con được thoải mái theo sự lựa chọn của mình. Chị chỉ khéo léo định hướng con theo kiểu hỏi con tại sao con thích cái đó.
Anh Sa rất thích ban nhạc Hàn Quốc, chị hỏi là tại sao con lại thích ban nhạc như vậy, Anh Sa giải thích là mẹ ơi những ban nhạc Hàn Quốc như thế đang chiếm giữ phần lớn thị trường Mỹ và đó là niềm tự hào của người châu Á. Anh Sa còn bày tỏ thêm là con cũng hy vọng Viêt Nam cũng làm được như vậy. Chị cũng thường cùng con đọc sách để hiểu những sách mà con thích đọc, hai mẹ con mỗi người một xó để đọc sách là chuyện bình thường trong nhà chị.
Khi con gái đậu 3 trường Đại học ở Mỹ, chị cũng chỉ định hướng cho con gái rằng con nên vào trường này chứ không bắt ép con. Chị đưa Anh Sa sang Mỹ ở đó khoảng 1-2 tháng để xem con gái có cảm xúc với trường nào nhất cho con gái chọn.