Lễ cướihay đám cưới là một phong tục văn hóa trong hôn nhâncủa người Việt Nam nhằm thông báo rộng rãi về sự khởi đầu của cuộc sống hôn nhân của một cặp vợ - chồng, đồng thời qua đó để thể hiện sự chấp nhận, chứng kiến của xã hội và các bên thành hôn về cuộc hôn nhân đó. Với ý nghĩa này, lễ cưới hay đám cưới còn gọi là lễ thành hôn.Trước đây, người Việt gọi lễ này là lễ rước dâu. Ngày nay, trong ngôn từ của đời sống thường ngày, người ta gọi lễ này là lễ cưới. Đây là hình thức liên hoan, tiệc mừng hạnh phúc cô dâu, chú rể và thân quyến hai gia đình. Lễ cưới của người Việt có nhiều thủ tục gồm: Lễ xin dâu, lễ rước dâu, tiệc cưới, lại mặt.
Lễ vật trong ngày cưới
Lễ cưới của người Việt thường phải xem ngày tốt để tiến hành các thủ tục như ngày tổ chức; ngày, giờ rước dâu về nhà chồng vì người tổ chức tin rằng: chuyện vui được cử hành ngày lành, tháng tốt thì sẽ mang đến hạnh phúc và bình an cho cô dâu, chú rể. Họ nhà trai sẽ phải chuẩn bị đầy đủ lễ vật (như là bánh phu thê, rượu, trầu cau, trái cây,...) và sang họ nhà gái đúng ngày giờ đã chọn. Các thủ tục như cha mẹ chú rể sẽ nói lời để xin con dâu với họ nhà gái, cô dâu - chú rể lạy bàn thờ tổ tiên, mời rượu cha mẹ hai bên và cha mẹ, họ hàng, anh chị em thân thiết có thể tặng quà mừng cho đôi vợ chồng mới cưới sẽ được tiến hành trước khi rước dâu về nhà chồng. Đối với những gia đình theo đạo Thiên chúa giáo, lễ cưới phải được tổ chức tại nhà thờ.
Nghi thức lễ cưới theo Thiên chúa giáo
Ngày nay người ta đã có những nỗ lực nhằm sáng tạo một biểu trưng cưới hỏi ở Việt Nam như đôi chim bồ câu, quả cau lá trầu, song biểu trưng thường gặp, cô đúc nhất về ngữ nghĩa trong lễ cưới ở Việt Nam từ xưa đến nay vẫn là chữ song hỷ. Đây là biểu trưng xuất xứ từ phong tục cưới hỏi Trung Quốc, với ý nghĩa trước kia thể hiện hai niềm vui lớn: đại đăng khoa (thi đỗ làm quan) và tiểu đăng khoa (cưới vợ), nay song hỷ biểu thị niềm vui chung của hai họ. Nhiều người Việt không hiểu chữ Hán nhưng khi nhìn vào chữ này cũng biết những nơi dán biểu trưng này đang có đám cưới.
Trao và nhận lễ
Trong lễ cưới Việt Nam, thông thường sẽ có một bữa tiệc được tổ chức ở nhà hàng hoặc tại gia để mời bạn bè đến chung vui. Những người tham dự thường đem tặng quà hoặc tiền mừng đám cưới. Quà cưới thường trang trọng, được bọc giấy điều, tiền có thể được bỏ vào bì thư đỏ. Trong đám cưới, ban lễ tân (thường là người thân) đứng ra nhận quà mừng. Có những đám cưới tổ chức tiệc trà, đơn giản hơn tiệc cưới thông thường, có ý không yêu cầu người tham dự mang quà mừng.
Trong cuộc sống hiện đại, nhiều đôi cô dâu – chú rể còn thường chụp ảnh kỷ niệm trước lễ cưới tại các ảnh viện hoặc chụp ngoại cảnh. Trong đám cưới thì thường chụp ảnh và quay phim. Và sau lễ cưới thì đôi vợ chồng trẻ có thể đi hưởng tuần trăng mặt (đây là một hình thức được du nhập từ nước ngoài vào).
Lễ cưới hay đám cưới ngày nay là nghi lễ được xã hội quan tâm và thường chỉ được tổ chức sau khi đã được chính quyềncấp giấy chứng nhận đăng ký kết hôn. Tuy nhiên, trong tâm thức cũng như tâm lý của một số người, đặc biệt là ở khu vực vùng sâu, vùng xa của người Việt thì lễ cưới có giá trị cao hơn cả giấy chứng nhận đăng ký kết hôn. Đây là cách hiểu không đúng cộng với sự quan tâm lớn của xã hội vào buổi lễ đôi khi gây sức ép lên những người tổ chức: họ phải đảm bảo để có thể làm hài lòng nhiều người tham dự. Do đó, có nhiều trường hợp vì muốn làm hài lòng khách tham dự mà cô dâu – chú rể tổ chức đám cưới lớn, vượt khả năng tài chính của mình. Những trường hợp này, khi lễ cưới kết thúc đã để lại cho “gia đình mới” món nợ lớn buộc cặp vợ - chồng mới phải lao vào kiếm tiền trả nợ, gây khó khăn cho cuộc sống của vợ chồng mới cưới, thậm chí có trường hợp ảnh hưởng không tốt đến hạnh phúc hôn nhân sau này.
Vì vậy, những người chuẩn bị kết hôn ngày nay không nên qúa quan tâm đến vấn đề “lễ cưới tổ chức lớn thế nào? Phải mời bao nhiêu khách? Tổ chức tại nhà hàng nào? …” mà chỉ nên cân nhắc tổ chức và sử dụng dịch vụ cưới sao cho vừa với điều kiện kinh tế của mình. Cặp vợ - chồng dù tổ chức lễ cưới lớn đến đâu chăng nữa nhưng không tiến hành các thủ tục theo luật định thì cũng không được công nhận là vợ - chồng. Do đó, điều quan trọng nhất của những người chuẩn bị bước vào cuộc sống hôn nhân là phải thực hiện đăng ký kết hôn tại cơ quan Nhà nước có thẩm quyền theo quy định vì đây là thủ tục bắt buộc, có như vậy thì cặp vợ - chồng mới được pháp luật công nhận là vợ chồng và đó là cơ sở để pháp luật bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mỗi người, nhất là bảo vệ người vợ trong cuộc sống hôn nhân.
VIOLET_KUTE
(ảnh: nguồn internet)