Tôi thích câu nói của Mahatma Gandhi: “Tôi không muốn ngôi nhà của mình bị vây kín giữa những bức tường và những khung cửa sổ luôn luôn bịt chặt, tôi muốn văn hóa của mọi miền đất tự do thổi vào ngôi nhà đó. Nhưng tôi sẽ không bị cuốn đi bởi bất cứ ngọn gió nào”.
Đất nước Việt Nam năm xưa đã từng có thời “bế quan tỏa cảng” không chịu giao lưu với các nước bên ngoài nhưng theo thời gian, Việt Nam như một dòng sông nhỏ, đang dần dần hòa mình vào dòng nước mênh mang của biển cả “văn hóa” trên toàn thế giới. Có thể xem Việt Nam là nơi hội tụ của văn hóa châu Á (gồm hai dòng: văn hóa bác học và văn hóa dân gian), đồng thời với vị trí đại lý thuận lợi của mình, Việt Nam cũng là nơi diễn ra sự giao thoa văn hóa giữa Đông và Tây. Bởi vậy có thể nói, văn hóa Việt Nam là một cấu trúc tổng hòa gồm hai dòng: văn hóa dân tộc và văn hóa hiện đại (những yếu tố ngoại sinh đã được Việt hóa). Hai dòng văn hóa ấy tác động qua lại với nhau góp phần đưa văn hóa truyền thống của Việt Nam hội nhập, nhưng không hòa tan, vào nền văn hóa hiện đại thế giới.
Quá trình giao lưu văn hóa của Việt Nam diễn ra ở nhiều khía cạnh khác nhau như: tôn giáo, ngôn ngữ, văn hóa – nghệ thuật… Ngoài ra, còn có sự giao lưu ở lĩnh vực mà ít người nhắc đến: đó là giao lưu về văn hóa cưới hỏi.
Thuật ngữ “văn hóa”, theo PGS.TSKH Trần Ngọc Thêm, là nhằm chỉ một hệ thống hữu cơ các giá trị vật chất và tinh thần do con người sáng tạo và tích lũy qua quá trình hoạt động thực tiễn, trong sự tương tác giữa con người với môi trường tự nhiên và xã hội. Còn “cưới hỏi”, đó là nghi lễ quan trọng để công bố sự kết hợp giữa “tân lang” và “tân nương”, là lễ đánh dấu CD-CR trở thành viên của gia tộc dưới sự cho phép của hai gia đình và trước sự chứng kiến, chúc phúc của mọi người. “Văn hóa” đi kèm với từ “cưới hỏi” đã khu biệt lại khái niệm văn hóa trong phạm vi của những tinh hoa về cưới hỏi ở Việt Nam.
Văn hóa cưới hỏi ở Việt Nam ngày nay đã có sự giao lưu với các nước khác trên thế giới và ít nhiều mang hơi hướng phương Tây. Điều đó thể hiện ở một số tiệc cưới ngày nay thường tổ chức đơn giản và ít lễ nghi truyền thống. Cô dâu mặc váy cưới màu trắng, đám cưới cũng có bánh kem, uống sâm panh, màn tung hoa cưới, tổ chức tiệc buffet, cũng mở nhạc nền mang giai điệu của những bài hát nước ngoài… Màu sắc đám cưới Việt Nam xưa thường là màu đỏ với những chữ dán truyền thống và hình ảnh đôi chim bồ câu, nhưng ngày nay những đám cưới như vậy ta khó bắt gặp ở những thành phố lớn, bởi vì thị hiếu của con người càng cao và theo sự phát triển của xã hội, họ muốn những gì nhanh gọn, sang trọng và hiện đại.
Theo quan niệm mới, đám cưới không nhất thiết là màu đỏ nữa, bạn cũng có thể làm một đám cưới phá cách với những theme màu như màu xanh, tím, vàng, cam, nâu… Tất cả tùy thuộc vào thị hiếu thẩm mỹ và phong cách, cá tính của bạn. Đám cưới cũng không nhất thiết phải tổ chức trong nhà với bục sân khấu ở trên và dưới này là những người thân, bạn bè ngồi sum họp theo từng bàn, bạn cũng có thể tổ chức tiệc cưới ở ngoài trời, mọi người cùng ăn uống, ca hát và nhảy múa. Hay muốn “độc” hơn, bạn có thể lựa chọn địa điểm tổ chức tiệc cưới ở bãi biển, ngọn hải đăng, thác nước... Rõ ràng đám cưới ngày nay đã “thoáng” và hiện đại hơn rất nhiều so với đám cưới truyền thống xưa.
Mặc dù có sự giao lưu hội nhập văn hóa nhưng mỗi quốc gia vẫn giữ được nét văn hóa cưới hỏi của riêng mình. Ví dụ như ở Bỉ có tục “ném gạo” để chúc phúc cho đôi tân hôn; ở Colombia có “lễ nến” với mong muốn rằng cuộc sống của hai người sẽ hòa vào làm một đến suốt đời; ở Đức, có “phong tục đập đồ sứ” nhằm chúc cho đôi tân hôn có một cuộc sống hạnh phúc, may mắn; ở Cuba thì “phần hội nhiều hơn phần lễ”, trong lễ cưới luôn có nhạc và những màn nhảy múa tưng bừng; ở Nam Phi, luôn có sự hiện diện của 12 đồ vật để đánh dấu sự khởi đầu mới hạnh phúc của CD-CR; đám cưới của những cặp đôi ở Hà Lan lại luôn nhẹ nhàng, tinh tế, sau đám cưới họ thường trồng hoa trong vườn nhà với mong muốn ươm mầm hạnh phúc tình yêu của họ; hay ở Nhật, trong lễ cưới , cô dâu đội một chiếc mũ trắng tên là “Tsuno kakeshi” (tức là che sừng) với ý nghĩa che đi chiếc sừng ghen tuông và từ đây cô dâu sẽ bắt đầu cuộc sống với tất cả sự khiêm nhường, kiên trì, nhẫn nại và chịu đựng…
Riêng ở Việt Nam cũng vậy, mặc dù có sự giao lưu, tiếp thu văn hóa nhưng cưới hỏi Việt Nam vẫn giữ được những nét độc đáo riêng không lẫn lộn được với bất kỳ quốc gia nào.
Một tục lệ quan trọng không thể thiếu trong đám cưới của người Việt chính là “Lễ rước dâu”: Đoàn rước dâu của nhà trai đi thành một đoàn qua nhà gái, nhà gái đón đoàn nhà trai vào nhà. CD-CR lúc này lạy trước bàn thờ, trình với tổ tiên. Bố mẹ cô dâu tặng quà cho con gái mình. Cũng lúc này, nhà gái bày cỗ bàn cho cả họ nhà gái chung vui, khách nhà trai cũng được mời vào cổ. Sau đó, cả đoàn rời nhà gái để đưa cô dâu về nhà chồng, có cả cả phù dâu đi theo.
Đặc biệt, trong đám cưới người Việt, trầu cau chính là một vật không thể thiếu. Theo quan niệm dân gian xưa, cây cau có thân tròn, thẳng đứng tượng trưng cho người con trai, còn lá trầu hình tam giác, bầu bĩnh, xòe ngang trên mặt đất tượng trưng cho người con gái. Dây trầu leo quấn quýt quanh thân cau là biểu tượng cho tình yêu bền chặt, trầu cau ăn với chút vôi tạo thành màu đỏ hồng, thể hiện sự son sắt, thủy chung. Trầu cau mang ý nghĩa tượng trưng cho tình thương, sự gắn kết không thể chia lìa của đôi vợ chồng trẻ.
Ngoài ra, đám cưới của người Việt diễn ra luôn có sự dung hòa của ba yếu tố: thần thánh tổ tiên, xã hội và con người (thần quyền, pháp quyền và nhân quyền). Một đám cưới diễn ra khi có sợi dây “tơ hồng” và có sự se duyên của trời đất, có làng xóm, pháp luật công nhận và đặc biệt, CD-CR, hai người phải yêu nhau, thấy hợp nhau. Một đám cưới lúc đó mới thật sự vẹn toàn và hạnh phúc theo quan niệm của người Việt.
Nền văn hóa cưới hỏi của người Việt khá phong phú và chúng ta hoàn toàn đủ cơ sở để xuất khẩu văn hóa cưới hỏi này ra các nước khác trong khu vực.
“Xuất khẩu” nghĩa là đưa sản phẩm và dịch vụ của một quốc gia ra khỏi lãnh thổ của nước đó. Từ xuất khẩu, ta đã quá quen thuộc khi nó gắn liền với hai chữ “hàng hóa” trong chiến lược phát triển kinh tế. Còn cụm từ “xuất khẩu văn hóa cưới hỏi” có vẻ còn khá xa lạ với tâm lý chung của người dân Việt Nam. Thế nhưng phải dùng từ “xuất khẩu” này ta mới nhận thức được hết tầm quan trọng của việc đưa những tinh hoa của văn hóa cưới hỏi Việt Nam ra khỏi phạm vi lãnh thổ quốc gia. Việt Nam sẽ không chỉ học hỏi những xu hướng, phong cách cưới của nước ngoài mà còn đưa văn hóa cưới hỏi của nước mình đến với nền văn hóa của những nước khác. Đó cũng là một cách quảng bá hình ảnh của đất nước Việt Nam đến với nước bạn, để rồi khi nghĩ về nước Việt Nam, người nước ngoài sẽ không chỉ nghĩ đến Nón Lá, đến Áo Dài, nghĩ đến lịch sử oai hùng của dòng giống tiên rồng… mà họ còn biết đến Việt Nam như một nước có văn hóa cưới hỏi độc đáo, mang đậm bản sắc dân tộc.
Nếu như Hàn Quốc thành công trong việc tiếp thị nền văn hóa giàu bản sắc dân tộc của mình qua phim ảnh, Nhật Bản qua truyện tranh, Ấn Độ qua những điệu nhảy truyền thống thì Việt Nam trong tương lai sẽ đẩy mạnh quảng bá hình ảnh của mình ở tất cả các lĩnh vực, trong đó có văn hóa cưới hỏi. Xuất khẩu văn hóa hiện đã và đang là chủ trương hàng đầu của chính phủ nhằm trực tiếp thúc đẩy du lịch phát triển, ngoài ra đó còn là động lực góp phần vào sự ổn định và bền vững của kinh tế - xã hội. Văn hóa chính là “sức mạnh mềm” giúp Việt Nam phát huy tầm ảnh hưởng của mình trong khu vực cũng như toàn thế giới.
Vậy thì nước ta sẽ “xuất khẩu văn hóa cưới hỏi” bằng cách nào?
Để làm được việc này không phải dễ, chúng ta cần phải có thời gian. Các tổ chức, đoàn thể trong nước có thể đưa văn hóa cưới hỏi của mình đến với nước bạn qua các lễ hội, sự kiện được tổ chức một cách quy mô và nghiêm túc. Như Đám cưới tập thể 80 cặp đôi vừa xảy ra ngày 11/11/2011 tại Trung tâm hội nghị White Palace đã thực hiện rất tốt điều này. Nó thu hút được sự quan tâm không chỉ của người dân trong cả nước, mà còn cả các du khách nước ngoài.
Khách du lịch thích thú với đám cưới 80 cặp đôi ngày 11.11.2011
Nhiều du khách nước ngoài ghi lại lễ cưới tập thể
Còn một giải pháp nữa, không kém phần hiệu quả, nhanh chóng, chính là việc đẩy mạnh quảng bá văn hóa cưới hỏi của Việt Nam qua các website lớn chuyên về ngành cưới, có uy tín, có tầm nhìn chiến lược xuyên quốc gia.
Các website có thể giới thiệu về hình ảnh đất nước, con người, những cảnh quan thiên nhiên, những phong tục tập quán, lễ hội, sự kiện thông qua các tin tức, sự kiện, các chuyên mục liên quan đến cưới hỏi của Việt Nam.
Đặt biệt, nếu muốn trang web đó không chỉ là cuốn cẩm nang cưới hỏi của người Việt thì nó còn phải được hiển thị bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau, để có thể đáp ứng được nhu cầu tìm hiểu thông tin của cộng đồng người trong khu vực và cả trên thế giới. Hình ảnh phải phong phú, thông tin đa dạng, cách bố trí sản phẩm có thể tìm kiếm dễ dàng để khách hàng có thể dễ dàng truy cập, nắm bắt thông tin và tự động liên kết với nhau.
Bản thân người viết nghĩ các trang web cưới ở Việt Nam hoàn toàn có thể làm được điều này vì nhiều quốc gia ở nước ngoài theo đạo Hồi, đạo Gio Thái,… nước Việt Nam ta lại phần lớn theo đạo Phật, đạo Khổng nên nền văn hóa Việt Nam hoàn toàn có cơ sở để dung hòa với nền văn hóa của các nước khác trên thế giới.
“Văn hóa là cái gì còn lại khi tất cả những cái khác bị quên đi, là cái vẫn thiếu khi người ta đã học tất cả”. Không ngừng cập nhật thông tin, không ngừng học hỏi, không ngừng vươn lên để tạo ảnh hưởng với các quốc gia khác trên thế giới sẽ giúp văn hóa Việt Nam nói chung và văn hóa cưới hỏi Việt Nam nói riêng bảo tồn nhưng vẫn phát huy được bản sắc của mình.
HƯƠNG QUỲNH
Weddingbridal
Ảnh: Sưu tầm