Quá tuổi nhi bất hoặc, họa sĩ Sỹ Hoàng đã làm được những điều mà mình tâm huyết và theo đuổi. Ở người đàn ông này, mong muốn được để lại cho đời một không gian văn hóa thuần Việt sánh ngang với đam mê sáng tạo quanh chiếc áo dài.
Quá tuổi nhi bất hoặc, họa sĩ Sỹ Hoàng đã làm được những điều mà mình tâm huyết và theo đuổi. Ở người đàn ông này, mong muốn được để lại cho đời một không gian văn hóa thuần Việt sánh ngang với đam mê sáng tạo quanh chiếc áo dài. Một bảo tàng áo dài sẽ mọc lên trong nhà vườn Long Thuận của anh tại quận 9 (TP.HCM) được xem là ước nguyện lớn lao nhất. Câu chuyện của chúng tôi bắt đầu từ khát vọng về một bảo tàng chưa từng có ở Việt Nam: bảo tàng áo dài.
Bộ sưu tập áo dài "Thanh xuân"
Anh có thể nói cụ thể về ước mơ lớn nhất và cuối cùng của mình không? Tôi nên hình dung như thế nào về một bảo tàng áo dài?
Một nơi để lưu giữ, trưng bày và chia sẻ với công chúng là người Việt Nam và người nước ngoài về lịch sử chiếc áo dài Việt Nam từ khi mới bắt đầu đến nay. Ở đó, người xem sẽ được chứng kiến những thăng trầm dâu bể quanh số phận chiếc áo đã làm nên nét duyên đặc trưng của người Việt Nam và dấu hiệu hình thức để nhận ra một người phụ nữ Việt Nam giữa những người phụ nữ các nước khác. Sẽ có trưng bày áo dài từ xưa đến nay, trưng bày áo dài của Sỹ Hoàng cùng nhiều nhà thiết kế có quan tâm đến áo dài khác. Tôi làm điều này là để tôn vinh chiếc áo dài Việt Nam chứ không riêng gì thương hiệu áo dài Sỹ Hoàng vì áo dài là tài sản chung của người Việt Nam.
Và vì sao bảo tàng áo dài này nhất thiết phải đặt tại nhà vườn Long Thuận của anh mà không phải là một điểm nào đó ở trung tâm TP.HCM, nơi du khách và người trong nước sẽ dễ tìm đến hơn?
Có nhiều lý do để đặt bảo tàng áo dài tại nhà vườn Long Thuận. Nhưng lý do lớn nhất chính là việc chúng tôi đã nỗ lực biến nơi này trở thành một không gian văn hóa đặc trưng và thuần Việt. Từ thiên nhiên, cây trái, sông ngòi, kênh rạch, ruộng lúa, mương nước đều là thuần khiết thiên nhiên, không có sự can thiệp thay đổi gì so với môi trường hiện tại. Ở đó còn có cả những con cá thòi lòi, hay những con đom đóm…Tôi đã đi khắp Việt Nam, quan sát, học hỏi rồi chắt lọc các phong cách từ nhiều vùng miền của Việt Nam để tạo nên một không gian Việt Nam thu nhỏ ở đó. Áo dài là một sản phẩm văn hóa của người Việt nên cần thiết đặt trong không gian sống của người Việt.
Tôi thấy có sự pha trộn phong cách kiến trúc và trong cách tái tạo cuộc sống Việt Nam ở nhà vườn Long Thuận. Hình như nó không thuần chất là một vùng không gian văn hóa cụ thể Bắc hay Trung hay Nam. Mương rạch xung quanh thì giống ngôi nhà ở vùng Nam bộ, nhà thì nhà rường của Huế, uống trà và ẩm thực thì lại mang phong cách Hà thành…?
Tôi không câu nệ việc mình theo phong cách vùng miền nào. Vì tôi đang tái tạo lại không gian văn hóa Việt Nam nên chọn những gì là tinh tế và tinh túy nhất của từng vùng miền để đặt vào đây. Người đến đây tham quan, thưởng ngoạn hay học tập cũng đều sẽ được đắm mình trong một vùng văn hóa thuần Việt, cảm nhận được những nét đẹp xưa đang dần biến mất trong văn hóa cư trú, văn hóa ứng xử, văn hóa ẩm thực của người Việt Nam. Với nhà vườn Long Thuận, tôi không đặt tên mình mà lấy tên vùng đất này để đặt cho nhà vườn của tôi. Đó cũng là cách tôi muốn khẳng định và mong muốn nhắc đến vùng đất Long Thuận này, người ta sẽ nhớ đến nơi đó có nhà vườn, có một không gian văn hóa của người Việt Nam được lưu giữ và trân trọng, chia sẻ cho con cháu.
NTK Sỹ Hoàng
Điều gì đã khiến anh chọn lối rẽ với nhà vườn khi vẫn còn đang hưng phấn sáng tạo với áo dài như thế? Kinh doanh không gian văn hóa như thế hẳn sẽ khó lòng thu lại lợi nhuận như tiền vốn đầu tư ban đầu?
Từ bé, tôi là người đã sống rất chỉn chu, có mục tiêu kế hoạch rõ ràng cho cuộc sống của mình. Khi mới vào đại học, tôi đã vạch ra cho mình là các năm học phải học như thế nào, khi ra trường bao nhiêu năm thì đạt đến mức độ ra sao…Cuộc sống cũng vậy. Tôi hoạch định cho mình từng chặng đường: 10 năm thì thế nào, 10 năm nữa ra sao…Nhiều người nghĩ rằng tôi đột ngột chuyển hướng sang làm nhà vườn nhưng họ không biết tôi đã âm thầm chuẩn bị điều này từ lâu, từ 9 năm trước, và khi thời điểm đến thì tôi mới hoàn tất công việc và công bố cho mọi người biết. Những người thợ mộc khéo tay nhất của làng mộc Kim Bồng ở Quảng Nam đã vào ra bao nhiêu lượt trong suốt 9 năm qua để cùng với hàng trăm người thợ khác và em trai tôi âm thầm làm nên nhà vườn.
Mục tiêu của tôi về công việc sáng tạo thời trang đã hoàn tất, tôi cũng đã cống hiến cho sự nghiệp giáo dục và bây giờ thì tôi muốn tiếp tục với mục tiêu lớn của đời mình: chia sẻ sản phẩm văn hóa, không gian văn hóa Việt Nam với người Việt Nam và với người nước ngoài.
Hẳn nhiên là kinh doanh không gian văn hóa đặc trưng như nhà vườn Long Thuận sẽ rất khó để kiếm lời nhiều và nhanh chóng so với kinh doanh những thứ khác. Nhưng đó là tâm nguyện của tôi và tôi thấy vui, thấy hạnh phúc khi thực hiện được tâm nguyện. Tôi muốn rằng khi mình rời khỏi cõi đời này, mình phải để lại cho đời cái gì đó. Mình phải để lại một giá trị nào đó trong những chuỗi giá trị mà mình nhận được từ cuộc đời. Và cái gì đó chính là việc khơi dậy tình yêu đối với văn hóa Việt ở những người trẻ, ở người nước ngoài thông qua nhà vườn này, thông qua những sáng tác áo dài của tôi.
Có thể gọi anh là một trong những nhà thiết kế thời trang hàng đầu Việt Nam về thời trang áo dài, cũng có thể xem anh là một người nổi tiếng nhưng hiếm thấy anh xuất hiện trong những buổi biểu diễn, những chương trình sự kiện đình đám tập trung ngôi sao của giới giải tri, thời trang… Anh cũng là người rất cẩn trọng khi phát ngôn và thường không có những phát biểu ồn ào. Vì sao anh lại chọn sự ẩn thân khi công việc thì lại cần phô trương / thậm chí là đánh bóng tên tuổi?
Đó là tính cách của tôi, là sự lựa chọn của tôi. Tôi không thích sự ồn ào và hào nhoáng bên ngoài. Thời gian để dự những bữa tiệc xa xí như vậy, tôi để dành để sáng tạo, để đọc sách, nghỉ ngơi và thực hiện những ước mơ của mình bằng những hành động cụ thể. Tôi nghĩ mình có là cái gì đâu mà phải ồn ào, phải phát ngôn gây sốc này nọ. Mình có thể giỏi trong lĩnh vực của mình nhưng mình làm sao mà giỏi trong lĩnh vực của người khác. Mà như thế thì có gì để phải tuyên bố này nọ? Tôi may mắn làm việc trong một lĩnh vực mà tên tuổi dễ được người ta chú ý nên mới gọi là “nổi tiếng” hay gì đó. Còn có bao nhiêu người giỏi hơn tôi nhiều lần, làm việc trong những lĩnh vực thầm lặng hơn, không được công chúng biết tới mà họ rất khiêm tốn, chẳng bao giờ phát ngôn ồn ào. Tôi nhớ lời của một vị giáo sư mà tôi từng gặp. Ông ấy nói rằng bông lúa càng trĩu hạt thì càng cúi mình. Chỉ có những bông lúa lép mới tung tẩy và bay lên trong gió thôi. Tôi luôn nhìn về sự khiêm cung cúi mình của bông lúa trĩu hạt để nhắc mình rằng mình phải làm gì đó cho cuộc đời hơn là ồn ào với những phát biểu này nọ. Làm ồn ào rồi cũng tự mình làm khổ mình mà thôi. Cái gì buông xả được thì buông xả, không chấp nhứt cho nặng đầu, không phức tạp hóa vấn đề chi cho nhọc mình.
Trong cách nói của anh ẩn chứa nhiều điều tâm niệm liên quan đến Phật giáo. Anh nghĩ gì về yếu tố tâm linh trong đời sống của một doanh nhân kiêm nghệ sĩ (như anh)?
Trên hết mọi lý thuyết chính là tình yêu và lòng từ bi với cuộc sống, với con người. Nhưng để từ bi được thì cần có sự hiểu biết, trí tuệ và lòng quả cảm chứ không phải là sự từ bi mù quáng để dẫn đến những điều không tốt. Tôi cho rằng bất cứ ai khi giữ cho mình một cái tâm trong sáng thì sẽ có cuộc sống tinh thần rất tốt, sẽ hưng phấn sáng tạo và làm được nhiều điều có ích cho cuộc đời. Giữ cho thân tâm an lạc là cách tốt nhất để con người thăng bằng và sống tốt giữa những thách thức của đời sống.
Thời gian gần đây, thiền như là “mốt” của giới nghệ sĩ lẫn doanh nhân để đối phó với stress. Anh nghĩ như thế nào về thiền và “mốt thiền” này? Cá nhân anh đối phó với những bước ngoặt và sự căng thẳng như thế nào?
Tôi không phản đối những người dùng thiền như là “mốt” như bạn nói vì mỗi người có một lựa chọn khác nhau về cách sống, chưa chắc ai đã hay hơn ai. Với cá nhân tôi, thiền chính là thở và hành thiền thực chất là học cách thở trong cuộc sống hàng ngày. Tôi học theo bác sĩ Nguyễn Khắc Viện. Thở quy tụ lại ở hai điểm: cách thở cho đúng và thở ở không gian nào. Ví dụ như bạn mà thở sâu ở giữa đường phố ô nhiễm thì đó cũng đâu có tốt. Tôi làm đúng như ông bà mình dạy: uốn lưỡi bảy lần trước khi nói và trong lúc nóng giận thì càng phải lưu tâm về những gì mình nói ra, sẽ dễ nói không đúng. Khi gặp khó khăn, căng thẳng, tôi thường cố tình chậm lại. Không nói ngay vào vấn đề đó, mà nếu có thì thay vì nói thì tôi sẽ viết. Khi viết thì mình phải cân nhắc kỹ mà. Sau đó, tôi cũng chưa gửi đi ngay mà để lại, tìm cái gì khác để làm cho đến khi bình tĩnh hẳn rồi mới quay trở lại, xem xét vấn đề để giải quyết. Tôi luôn trân trọng và xem quan hệ với người khác là một tài sản của mình, nên tôi không bao giờ muốn đánh mất tài sản đó cũng như không muốn làm tổn thương người khác.
Trông anh khá giản dị với trang phục lẫn những vật dụng thiết thân như bút, điện thoại, máy tính…Một người sáng tạo thời trang mà không phải là tín đồ của thời trang và hàng hiệu sao?
Tôi thường dạy học trò của mình rằng quần áo trước hết phải thực hiện công dụng đầu tiên của nó là gìn giữ cơ thể của người sử dụng. Mặc đồ mà gò bó khó chịu thì không nên. Tôi mặc áo chất liệu vải sợi tự nhiên, vì nó mềm và mát, hợp với khí hậu Việt Nam, quần thì vải cũng giá bình thường. Chiếc cặp đựng laptop của tôi là do một vị sư tặng (một tín đồ tặng cho sư, sư tặng lại cho tôi) và tôi đã dùng chiếc cặp này mười mấy năm vẫn chẳng thấy cần phải thay đổi, trên người tôi không có trang sức gì, giày thì giày của Việt Nam, điện thoại thì rất cũ rồi, không có chức năng gì đặc biệt ngoài nghe, gọi, nhắn tin. Tôi nghĩ mình không cần phải theo trào lưu hay hành hiệu gì mà chỉ cần mình làm những gì mình cảm thấy thoải mái là được. Dĩ nhiên, giản dị không có nghĩa là xuề xòa, là thiếu tinh tế. Khi cần đến những cuộc giao tiếp trang trọng, tôi cũng có những trang phục đáp ứng được sự trang trọng đó. Vấn đề là sự tương hợp với những nơi mình đến và không gian văn hóa mình tồn tại trong đó.
Theo Yume