Trang chủ weddingbridal.vn

Nhật ký - Blog

Vũ Thu Phương lần đầu bật mí về ông xã đại gia

08-02-2012 , 18:04

"Tôi vừa chia tay người yêu cũ, có vài anh đến, ai cũng khen tôi xinh đẹp, đủ lời mật ngọt. Chỉ có anh ấy nói: "Ôi, sao nhìn em tiều tụy và tàn tạ thế". Tôi bị sốc", diễn viên "Giao lộ định mệnh" chia sẻ.

Cảm thấy "nhột" khi dùng từ "nhà thiết kế"

- Sự nghiệp đang lên, chị tuyên bố giã từ showbiz. Lý do là sao?

- Giờ đây tôi vẫn không hiểu tại sao lại nhận lời mời để có cuộc trò chuyện này. Trên đường đi với chồng tới đây, tôi đã bảo với anh ấy: "Hay em lên chào chị ấy một câu rồi về". Và bây giờ thì ngồi đây với chị.

Thực ra, khi tuyên bố từ giã showbiz, cái chính xác tôi muốn từ giã là sàn catwalk. Để đi đến quyết định khó khăn đó, tôi từng mất một thời gian khá dài, khi mà cho tận đến giờ phút này, tôi vẫn chưa hết mê nó. Vẫn biết nếu có ánh đèn, mình lại "say" như thường. Chính vì vậy mà tôi buộc mình phải nói ra điều đó. Nó giống như một bức tường cản tôi lại nếu một ngày tôi lại muốn lên sàn diễn trong vai trò người mẫu.

Sau nữa, là phim ảnh. Tôi từng nghĩ mình có thể chạy cùng lúc nhiều việc nhưng sau đợt tham gia cùng lúc hai bộ phim và một chuỗi sự kiện, tôi thấy mình không đủ sức. Không đủ thời gian để nghiêm khắc với những đam mê. Vì vậy, nếu quay trở lại, tôi sẽ chỉ xuất hiện với vai trò nhà thiết kế. Tôi dừng lại công việc làm người mẫu, diễn viên cũng là vì rất tôn trọng danh xưng nhà thiết kế và biết rằng mình phải nghiêm túc nỗ lực hơn. Dù đến bây giờ, nói thật là đôi khi tôi vẫn cảm thấy hơi nhột khi dùng từ "nhà thiết kế". Nhưng tôi nghĩ tôi sẽ cố gắng.

- Vậy là lý do không liên quan đến đám cưới lãng mạn mới đây bên bờ biển với một anh chàng mà thiên hạ đồn đại rằng anh ấy rất giàu?

- Chắc chắn đó là một phần rất lớn của nguyên nhân và dĩ nhiên là do tôi chủ động. Dù thực tế là chồng tôi rất ủng hộ và chia sẻ với công việc của tôi. Chỉ riêng tôi nghĩ mình cần dừng lại và thời điểm trước khi xây dựng gia đình là phù hợp. Tôi đã tự quyết định điều ấy cho mình. Vậy nên đám cưới cũng là một phần lý do khiến tôi đưa ra quyết định.

Là "gái có chồng", tôi nghĩ mình cần chín chắn hơn. Bởi nếu như trước đây, tôi muốn làm gì thì đó là chuyện của riêng tôi. Còn bây giờ, một người phụ nữ có thành công hay không tôi nghĩ phụ thuộc vào gia đình, có bươn chải ngoài đời thế nào chăng nữa thì cái công dung ngôn hạnh của người phụ nữ vẫn rất quan trọng. Tôi tuyên bố như vậy với hy vọng bảo toàn được điều đó.

- Quyết định của chị được chồng chị chia sẻ thế nào?

- Chồng tôi chưa bao giờ nghĩ tôi sẽ nghỉ. Tôi quyết định xong rồi mới nói với anh ấy. Chính tôi đã thuyết phục anh, rằng muốn có sự vẹn toàn trong cuộc sống gia đình và cho bản thân, bên cạnh mong muốn chuyên tâm hơn với công việc thiết kế… Nhưng anh ấy là người biết tôi yêu nghề catwalk thế nào nên nếu tôi nói sớm, chắc anh ấy sẽ cản. Bởi vậy khi tôi nói quyết định của tôi, anh chỉ nói một câu ngắn gọn: "Có những sự hy sinh mà người ta không nói được lên lời…". Tôi không có đủ can đảm để nhớ lại.

- Nhưng nếu lỡ con đường chị định đi tới đây không cập đích, chị có trở lại?

- Khi quyết định, tôi đã nghĩ dù có thành công hay không tôi cũng sẽ sống thật, sống hết mình với đam mê. Và thực sự khi ngừng lại một số hoạt động nghệ thuật, tôi có cảm giác mình "enjoy" cuộc sống hơn.

Trong suốt 5 năm liền, tôi đã chỉ có 2 - 3 tiếng một đêm để ngủ. Chuyện sau khi kết thúc một bộ phim phải vào viện truyền nước là tình trạng thường xuyên. Tôi thấy mình tham quá, ôm đồm nhiều việc quá nhưng chẳng việc gì được đến đầu đến đũa. Tôi hiểu rằng khi con người muốn quá nhiều thứ là không ổn. Khi quyết định dồn sức cho thời trang - công việc sau 5, 6 năm đã mang tới cho tôi một lượng lớn khách hàng, tôi đã được khách hàng tiếp sức bằng những nhiệt tình ủng hộ.

- Đã có cửa hàng thời trang từ lâu, cũng tham gia công việc thiết kế được một thời gian khá dài, sao giờ chị mới chia sẻ về nó?

- Là người từng học về kinh tế, tôi biết khi nào cho đứa con tinh thần của mình ra mắt thiên hạ là thích hợp, khi thời trang không chỉ là nghệ thuật mà còn là kinh doanh nữa. Trong quá trình làm người mẫu, tôi có một lưng vốn kha khá kinh nghiệm nhờ được tiếp xúc với hầu hết nhà thiết kế hàng đầu Việt Nam, được trực tiếp mặc các trang phục của họ.

Tôi hiểu việc tự đánh giá, tự trải nghiệm trong lĩnh vực này là điều quan trọng nhất. Ngay những mẫu do tôi sản xuất, tôi là người vẽ, là người cùng làm việc với thợ cắt, thợ may và là người thử đầu tiên, cũng là người mặc cho khách hàng nên cũng hiểu mình đang ở đâu. Tôi nghĩ khi cảm thấy cái tay của mình thực sự mạnh, mới nên cho người khác biết mình có thể làm gì.

- Mẹ sinh ra chị từng là công nhân thợ dệt, 15 tuổi chị có chiếc máy may đầu tiên. Tôi đọc được về chị thế. Hóa ra công việc làm đẹp một cách vô tình đã gắn bó với chị lâu rồi nhỉ?

- Tôi không có đủ can đảm để bây giờ ngồi đây nhớ lại chuyện đó, vì điều đó luôn luôn khơi lại trong tôi rất nhiều cảm xúc. Tôi chỉ muốn nói, con người khi phải trải qua nhiều điều vất vả trong quá khứ mới có được sự mạnh mẽ, vững vàng. Bố tôi là kiến trúc sư, từng có thời gian công tác ở nước ngoài nên từ nhỏ kinh tế nhà tôi cũng khá vững vàng. Nhưng năm tôi học lớp 3, mẹ bị mổ tim, sức khỏe mẹ từ đó yếu dần. Sau đó ít lâu thì gia đình tôi làm ăn thất bát vì bị bạn bè của bố lừa lấy mất tiền, giống như là bị vỡ nợ vậy.

Bố tôi phải vào Sài Gòn tìm việc, còn mẹ thì dù sức khỏe sút kém vẫn phải hàng ngày trông nom cửa hàng tạp hóa và nhận may gia công. Nhiệm vụ của tôi là sáng sáng đạp xe hơn 10 cây số đi lấy hàng, lấy bia về bán trong xóm. Năm tôi chừng 10 tuổi, mẹ dạy cho tôi may. Vì là con bé con mơ mộng, tôi từng mơ giấc mơ cô Tấm. Nghĩ rằng nếu mình làm giúp mẹ, thì khi tỉnh dậy mẹ sẽ có thêm nhiều hàng. Thế nên tối tối khi mẹ đi ngủ, tôi đã cặm cụi ngồi bên chiếc máy khâu của mẹ. Cho đến năm 15 tuổi, tôi được mẹ tặng cho chiếc máy khâu của riêng mình.

Nếu không từng vất vả, chắc tôi đã ngã

- Mang quá khứ nghèo khó ấy vào một nơi hào nhoáng như showbiz, ký ức níu chân chị thế nào?

- Anh em tôi lớn lên bằng những phần cơm mẹ nhịn đói để dành. Lúc tôi lớn thêm vài tuổi nữa thì mẹ vào Sài Gòn kiếm việc làm thêm để phụ anh trai học đại học. Tôi ở lại Nam Định. Tôi đã rất sợ khi phải sống một mình trong thời gian dài như thế.

Những lúc đó, tôi cứ nghĩ đến mẹ, đến những việc mẹ làm (giọng nghẹn lại) để vượt qua nỗi sợ hãi bên trong. Cuộc sống nhiều đam mê, nhưng đã là phụ nữ, tôi tự nhủ, ít nhất phải có phần nào đó của mẹ. Tôi một mình ở Nam Định chừng hai năm được bố mẹ đưa vào Sài Gòn.

Vào đây cuộc sống ban đầu còn khó khăn lắm. Mẹ dọn quầy bán cơm bình dân ở Bình Triệu, tôi phụ mẹ nấu nướng, rửa bát, bưng bê cơm cho khách. Chỗ mẹ bán cơm gần trường đại học, các anh chị sinh viên qua ăn cơm hay chọc ghẹo nên lớn lên chút nữa thì tôi trốn việc tiếp xúc trực tiếp với khách, nhận phần rửa bát, cứ qua trưa khách về vãn thì mới ra dọn dẹp.

Cô gái nào bên ngoài nhìn càng mạnh mẽ thì bên trong càng yếu đuối và không muốn nhiều người thấy phần yếu đuối. Thêm nữa, có dư luận nói tôi mượn chuyện kể nghèo để đẩy thêm tên tuổi, điều đó làm tôi thấy tổn thương hơn. Tôi đã sống qua cái nghèo, tôi không thấy tủi, chỉ thấy thương thôi.

Trong giới nhiều người nói tôi chảnh, kiêu kỳ, thực ra là tôi chỉ cố gắng giữ để được sống đúng là mình. Và sống trong giới mà hào quang là thứ ai cũng nhìn thấy này, nếu không trải qua cuộc sống vất vả để hiểu giá trị thực của cuộc sống ở đâu, tôi chắc đã ngã rồi. Cũng chính quá khứ dạy tôi biết nghĩ, sau cánh cửa tối sẽ là một cánh cửa sáng hơn ở phía trước. 

- Chị phải phụ mẹ đi bán hàng như thế trong bao lâu?

- Hết lớp 8 tôi vào Sài Gòn, mẹ bán cơm hàng bình dân đến khi tôi học hết năm thứ nhất đại học.

- Nhưng chị được mời làm mẫu ảnh từ năm học lớp 11. Sao không từ đà ấy tìm cơ hội kiếm tiền phụ mẹ?

- Tôi đi diễn sau khi được mời chụp hình quảng cáo, nhưng chỉ diễn cầm chừng vì bố không muốn tôi theo nghề này. Phải đến năm nhất đại học, tôi mới đi làm nhiều hơn. Thời đó đi làm tiền cát-xê được bao nhiêu tôi mang về cho mẹ hết. Đến năm thứ hai đại học, gia đình tôi bắt đầu mở lại xưởng may, còn tôi bắt đầu mở shop thời trang, trang sức cùng một nhà thiết kế. Sau này mới "ra riêng" làm shop của mình.

- Có duyên với may vá sớm thế, sao chị không đi học thiết kế?

- Một ngày tôi chỉ ngủ 2 tiếng thì lấy thời gian đâu để học. Nhưng bây giờ khi quyết định dừng lại các công việc khác tôi sẽ theo một khóa học để gom đủ kiến thức của một nhà thiết kế chuyên nghiệp.

- Tưởng lấy chồng thì yên phận chứ, lại còn tính chuyện đi học?

- Chồng ủng hộ tôi chuyện đó. Anh ấy biết yêu cái xấu, cái khổ của tôi.

- Chính xác thì sự khôn khéo của cô gái gốc Bắc hay sự phóng khoáng của cô gái miền Nam nơi chị mê hoặc được người là chồng chị bây giờ?

- Tôi không biết. Ngày đầu anh ấy đến "cua", tôi ghét lắm. Nhưng chỉ một câu nói của anh ấy tôi thay đổi thái độ. Anh xuất hiện khi tôi làm quán cà phê.

Khi ấy, tôi vừa bán thương hiệu Louis, một thương hiệu tôi đã gây dựng ba năm nên rơi vào trạng thái giống như bị trầm cảm vậy. Tôi chỉ có mỗi việc lao vào quán. Một cái quán mà chỉ có tôi và hai người em làm, từ việc set up, trang trí, cuốc đất, trồng cây đều tự làm cả. Cái quán hình thành rồi thì trông tôi đen đúa, xấu xí lắm.

Lúc đó, tôi vừa chia tay được người yêu cũ đâu như sáu tháng, có vài anh đến "cua", ai cũng khen tôi xinh đẹp, đủ lời mật ngọt. Chỉ có anh ấy nói: "Ôi, sao nhìn em tiều tụy và tàn tạ thế!", tôi bị shock.

- Phụ nữ yêu bằng tai mà lại bị đốn gục vì một câu nói "chướng tai" thế sao?

- Tôi sốc nên trước tiên là để ý anh ta đã. Để ý kỹ hơn tôi thấy ông này thích ăn chè. Hồi đầu tôi tưởng vì "cua" cô chủ nên cố ăn món tủ của quán, tôi nghĩ thầm: "Ông này khéo lấy lòng". Sau mới biết ông thích món đó thật.

Qua tiếp xúc, tôi thấy người đàn ông này có gì đó chân thật, đặc biệt là rất tình cảm. Anh ấy quan tâm sự việc bên trong chứ không phải cái bề ngoài. Sau đó, tôi lại nhận được nhiều sự quan tâm hơn nữa vì cái tiều tụy của mình. Tôi nghĩ, người này yêu cái xấu, cái khổ của mình. Cứ vậy, từ từ khoảng mấy tháng thì chính thức yêu.

Tình yêu đến giản dị vậy chứ không phải vì anh ấy là đại gia, con nhà trâm anh thế phiệt?

- Lại từ chuyện cái xe phải không? Mà thực ra tôi không muốn nhắc tới chuyện tiền bạc, tôi nghĩ nếu cứ xét nét quá nhiều về vật chất như vậy, vô tình con người sẽ ngày càng hiểu nhầm về sự giàu, nghèo.

- Nhưng mà cũng tại sau vụ cái xe chị tuyên bố giải nghệ và làm đám cưới, thành ra thiên hạ có cớ tin rằng họ đúng!

- Tôi lấy chồng, khi sang quê chồng và được tất cả mọi người ở đó yêu thương. Với tôi đó là điều quý giá. Tôi không phủ nhận vai trò của đồng tiền trong đời sống nhưng tiền chưa chắc là thứ quan trọng nhất. Bây giờ tôi đang kiếm được rất nhiều tiền với vai trò một nghệ sĩ, nhưng tôi vẫn dừng lại để bắt đầu lĩnh vực khác từ con số không. Tôi nghĩ có những thứ bền vững mà người ta phải chuẩn bị để xây dựng nó, cái đó nó quan trọng hơn tiền.

Đám cưới là do… hai họ

- Chồng chị không phải là người lần đầu đến với hôn nhân, bản thân chị cũng đã trải qua cuộc tình ồn ào với một ca sĩ nổi danh đào hoa. Cả hai đều không sợ "cành cong" sao?

- Tôi chưa bao giờ sợ bất cứ người đàn ông đào hoa nào vì luôn nghĩ được thì tới với nhau, không được thì thôi. Vả lại, quan trọng là người phụ nữ sống thế nào thì người đàn ông sẽ đáp lại với mình như thế.

- Anh ấy thuyết phục chị thế nào để có được đám cưới?

- Trước khi yêu anh ấy, tôi nghĩ chắc phải chục năm nữa mới xây dựng gia đình vì còn nhiều việc muốn làm quá. Nhưng khi yêu nhau được một năm thì tôi cảm thấy đây là một người đàn ông của gia đình. Cách anh ấy chăm sóc gia đình tôi, gia đình anh ấy giúp tôi nhìn thấy hai người có quá nhiều điểm chung.

Và cả hai chúng tôi đều xác định yêu là cưới, đó cũng là điều hạnh phúc nhất của tôi. Nhưng đám cưới được tổ chức lại do sự tác động không nhỏ của các cụ hai bên. Hai đứa cứ nghĩ cưới bây giờ hay sau đó cũng không sao cả. Bố mẹ hai bên thân nhau quá, như anh chị em ấy, suốt ngày thủ thỉ nên chẳng hiểu sao một ngày đưa ra quyết định này.

- Vậy là không phải vì lời cầu hôn lãng mạn dưới mưa hay trong căn phòng đầy nến mà người đàn ông ấy đã thu phục được một cô người mẫu đang thời kỳ đỉnh cao sự nghiệp?

- Chuyện cầu hôn thì tôi xin giữ lại. Tôi chỉ muốn nói rằng, chồng tôi là một người cực kỳ lãng mạn. Tôi vẫn nghĩ dù có xông pha ngoài đời thế nào đi chăng nữa thì vẫn phải tìm thấy được chữ bình yên trong tâm hồn. Giờ tôi đã tìm thấy.

- Hai vợ chồng trẻ thì có nguyên tắc nào phải duy trì khi bắt đầu cuộc sống chung không?

- Chắc chắn là có chứ! Chồng tôi hay phải đi công tác xa, nhưng nếu ở Việt Nam thì nguyên tắc là cơm trưa phải ăn cùng nhau. Bên cạnh đó, mỗi tuần ăn cơm tối bên ngoại hai lần, bên nội hai lần. Từ "gia đình" mà tôi nói tới là gia đình lớn bao gồm ba gia đình nhỏ, nên tôi phải sắp xếp để có đủ thời gian dành cho nó.

- Bữa trưa cùng nhau, là do chị nấu hay… nhà hàng?

- Tôi nấu (cười).

- Và lại đãi món… chè?

- Món tủ của tôi là canh cua, cà pháo. Nhưng bây giờ tôi học thêm vài món Campuchia. Bố chồng tôi người gốc Campuchia nhưng chồng tôi sinh ra ở Hà Nội, mẹ là người Hà Nội gốc, dân Ấu Triệu đó chị, thành ra nếp sống của gia đình thuần chất Bắc.

Tôi cảm thấy hạnh phúc khi được vào gia đình anh ấy. Thêm nữa, chồng tôi từng sống ở nhiều nước. Tôi cứ hay đùa là người của Liên Hợp Quốc. Vì vậy, anh cũng đơn giản chuyện ăn uống lắm. Anh ấy như một người Việt, như một người Campuchia và cũng như một người Tây. Tôi nghĩ điều tôi yêu chồng nhất đó là một người sống tình cảm, chân thật và lãng mạn.

- Đúng là hạnh phúc của một người bắt đầu cuộc sống mới?

- Bây giờ tôi hoàn toàn có thể chủ động thời gian riêng. Ngày nào tôi cũng tỉnh dậy từ lúc 6h30, 7h30 có mặt ở công ty, 11h30 nghỉ và cũng chỉ phải xài một số điện thoại. Tôi nghĩ công việc hôm nay không làm thì ngày mai có cách làm tốt hơn, nhưng gia đình thì mình không thể mua lại thời gian và cảm xúc đó được...