Tuổi thơ bình yên
Sinh ra và lớn lên ở một vùng quê miền Tây thuộc Đồng Bằng sông Cửu Long. Nhà nằm sát sông, nên cậu bé Nguyễn Văn Hải biết bơi từ rất nhỏ. Ba mẹ cậu thấy con trai cứ bơi lội tung tăng như con rái cá dễ gặp nguy hiểm nên không cho đi bơi. Nhưng làm sao cấm được cu cậu! Chiều nào, Hải cũng trốn ba mẹ cùng các bạn đi tắm sông, để khi trở về “chấp nhận” bị ăn đòn. Cậu bé Hải sống trong một thế giới êm đềm, bình yên ở quê hương và chẳng muốn lớn lên để xa quê nữa.
Ngày ấy, xung quanh nhà Hải là những vườn cây quanh năm hoa trái, vì vậy cả bốn mùa Hải đều được thưởng thức trái cây…miễn phí và nằm mơ màng ngắm những cánh đồng lúa xanh mướt, thẳng tắp cuối chân trời. Cũng giống như bao đứa trẻ khác, cậu bé Hải phải sớm phụ giúp ba mẹ lo bữa cơm hàng ngày. Học một buổi, còn một buổi Hải đi mò nghêu, bắt ốc, đánh cá, đốn củi, bẻ cau, hái dừa.., tuy nhỏ nhưng Hải rất chăm chỉ và tháo vát, việc gì cũng biết làm, nhìn Hải lúc nào cũng tất tả với học và làm. Ấy thế mà, trông cậu bé Hải khi nào cũng vui, vì lúc đó ai cũng nghèo như nhau, nghèo nhưng sống có tình, có nghĩa, việc gì cũng chia sớt, giúp đỡ với nhau.
Và cho đến bây giờ, đã trở thành một ngôi sao, Hải vẫn tràn đầy hạnh phúc khi nhớ về tuổi thơ của mình. Quê hương là nơi tốt nhất để anh mau chóng lấy lại cân bằng mỗi khi làm việc căng thẳng. Vì vậy, những lúc cần nghỉ ngơi, anh lại về quê. Mỗi tháng Lý Hải thường về quê một lần, bận lắm thì cũng chỉ 2 tháng một lần. Có những khi đi lưu diễn nước ngoài, Lý Hải nhớ quê đến thao thức, về đến Việt Nam là phải “bay” về quê ngay. Cái “tâm hồn quê” trong Lý Hải đã làm cho anh không thể xa quê được.
Những năm tháng đầu đời cực khổ
16 tuổi, chàng thanh niên miền Tây, Nguyễn Văn Hải rời miền quê thanh bình ấy, đơn thân độc mã lên Sài Gòn học trường Nghệ thuật sân khấu 2 (nay là trường Sân khấu điện ảnh). 16 tuổi, Hải trông còn khá “non” trước nhịp sống ồn ã của Sài Gòn, anh cứ ngơ ngác mãi với câu hỏi: “sao ở đây khác xa với miền Tây bình yên của mình đến thế nhỉ?”. Tuy Hải vẫn còn bỡ ngỡ, lạ lẫm và đôi khi khờ khạo trước cuộc sống mới, nhưng anh phải tự lo cho cuộc sống của bản thân, bữa cơm hàng ngày với mắm ruốc, muối hột và canh “đại dương” đã trở nên quen thuộc với anh.
Ngoài giờ học, Hải phải đi làm thêm rất nhiều nghề để tự nuôi mình, gọi là đi làm thêm cho....oai, chứ thật ra là chỉ là phụ giữ xe đạp, dạy kịch cho thiếu nhi ở nhà văn hoá thiếu nhi, dạy khiêu vũ ở nhà văn hoá thanh niên… cốt kiếm được đồng nào hay đồng đó, miễn đồng tiền đó là lương thiện, là do mồ hôi công sức của mình làm nên. Hải thường động viên chính mình: “Cũng may quen cực khổ từ nhỏ nên lớn lên vất vả hơn chút cũng chẳng sao”. Nhưng bù lại, cuộc sống đó đã rèn cho Lý Hải một tinh thần lao động và phấn đấu không mệt mỏi để vượt lên mọi khó khăn trong cuộc sống.
Bốn năm học thấm thoát trôi nhanh, Hải đã tốt nghiệp và chẳng biết đi đâu về đâu thì đoàn ca múa của Tỉnh gọi về. Cả lớp Hải đều về đó thực tập, nhưng chẳng có việc gì làm ngoài việc mỗi ngày uống cà phê mấy cữ cho qua thời gian. Gia đình và bạn bè đều thắc mắc: “học những 4 năm ở Sài Gòn mà về chẳng làm ăn được gì vậy!”. Hải cảm thấy buồn, cuộc sống vốn quen hoạt động, phấn đấu nên Hải cũng không chịu được cái cảnh nhàn rỗi, không thấy tương lai.
Một lần nữa anh lại khăn gói lên đường trở lại Sài Gòn tìm cho mình một mảnh đất sống. Nhưng bấy giờ, kịch nói đang trên đà…tuột dốc không phanh, một diễn viên mới toanh như Hải làm sao có đất sống?. May sao, khi đó bạn bè rủ lập nhóm hát, Hải đồng ý ngay. Vốn dĩ từ thời sinh viên, Hải đã hoạt động trong đội văn nghệ của trường nên cũng tích góp được kha khá kinh nghiệm ca hát. Khi ấy, đạo diễn Xuân Phước là trưởng nhóm, có thể nói, đạo diễn Xuân Phước chính là người mở cho Hải một con đường mới.
Nhớ lại thời sinh viên ở trường sân khấu, “đàn anh” Minh Nhí thường hay đến lớp để chuốt tiểu phẩm cho các sinh viên khóa dưới diễn, (anh Minh học trước Hải 2 khóa, và trước Cát Phượng 4 khóa), chính vì thế mà hai anh em thân với nhau. Sau khi tốt nghiệp ra trường, sinh viên không được ở trọ ký túc xá nữa nên 3 anh em rủ nhau ra ngoài thuê nhà ở chung. Công việc trong nhà thì chia mỗi người một việc. Cát Phương là nữ thì ưu tiên cho việc đi chợ, nấu nướng còn Lý Hải và Minh Nhí thì phụ trách lau nhà, rửa chén, giặt đồ. Lúc đó cả ba anh em chưa ai có công ăn việc làm, cứ đến cuối tháng trả tiền nhà ai cũng sợ. Sáng bước ra cửa phải xem có cô chủ nhà đứng chờ không, còn chiều về thì ai cũng lấm la lấm lét, không thấy cô chủ nhà đến thì mới dám về. Cuối tháng nào cũng vậy, không ai dám về nhà trước, người nào cũng đợi người kia về, cứ tới đầu ngõ là cả 3 gặp nhau đùn đẩy một người vào trước. Cả cuộc đời sinh viên của Lý Hải phải nói thiếu nợ tiền nhà tới nỗi cảm thấy chuyện thiếu nợ là chuyện bình thường. Cứ 2-3 tháng hết tiền cọc nhà, Lý Hải lại phải chuyển nhà vì không có tiền trả tiền nhà tiếp nên bị đuổi đi, cứ hết nhà này đến nhà khác. Mà lúc đó nghèo chỉ có vài bộ đồ nên việc di chuyển rất nhẹ nhàng. Nhớ lại chuyện vui, ở nhà ba anh em mà chỉ có một cái chìa khóa. Lý Hải hay dành nhiệm vụ cao cả giữ chìa khóa nhưng lại là người về trễ nhất, Minh Nhí và Cát Phương phải ngủ đứng ngủ ngồi ngoài lan can. Đến khuya Lý Hải về một bên Minh Nhí chửi, một bên Cát Phượng rủa, tuần nào Lý Hải cũng nghe chửi, riết hồi nghe chửi hay như nghe nhạc.
Nhắc về anh Minh Nhí, tính Minh Nhí rất kỹ lưỡng và sạch sẽ, áo quần giày dép phải treo lên móc và để lên giá. Lần nào Lý Hải để giày lung tung cũng bị Minh Nhí quăng ra đường. Minh Nhí lại còn có thói quen thích coi phim kinh dị mỗi khi...ăn cơm. Lần nào ăn cơm thấy cảnh máu me là Lý Hải và Cát Phượng không ai ăn nổi, vậy mà Minh Nhí vẫn ngồi ăn ngon lành. Năm 1993, Minh Nhí để dành tiền sắm được cho mình một chiếc Dream, anh Minh không bao giờ dám đi vì sợ bị mòn bánh, nhưng cứ 1 -2 tiếng lại lấy khăn ra lau bụi rồi chắp tay đi qua đi lại ngắm xe sau đó lấy khăn đậy lại. Chưa đầy một tháng. ăn trộm ghé thăm và dẫn chiếc xe dream quý báu của Minh Nhí ra đi. Hôm đó, ngay vào bữa chiều rối mưa tầm tã, mọi người phải đội mưa lội bộ đi khắp phố tìm xe nhưng...vô vọng. Thật sự, không thể nào tả nổi gương mặt của Minh Nhí lúc đó. Lúc đó nghèo, đi diễn không được bao nhiêu tiền mà tối nào mấy anh em cũng ngồi đếm tiền, nhưng đặc biệt anh Minh Nhí rất quý tiền và có sở thích...ủi tiền, cứ có tờ tiền nào bị quăn góc hoặc nhăn là anh Minh lại ủi cho thẳng và ủi rất say mê. Bởi vậy, người ta hay nói: “phải kiếm đồng tiền khó khăn, thì mới biết quý trọng đồng tiền”.
Nghệ danh Lý Hải ra đời như thế nào?
Lý Hải hồi tưởng: “Hồi đó, trong lần đầu về Trà Vinh diễn, thấy trên băng –rôn có tên Lý Hải, liền hỏi anh Huỳnh Phúc Điền: Lý Hải là tên ai vậy? Anh Điền trả lời gọn lỏn: là mày đó! Chắc anh Điền thấy tên Nguyễn Văn Hải quê quá nên đặt là Lý Hải cho…oách một tí”. Đó cũng là lần đầu tiên Lý Hải có tên trên băng-rôn, nên vui lắm, cứ đi qua đi lại nhìn lên cái băng rôn hoài rồi tủm tỉm cười một mình.
Nhóm hát của Lý Hải thành lập được một thời gian thì tan rã, Lý Hải lại thất nghiệp. Gia đình thương cậu con út cực khổ, gom góp được hai chỉ vàng cho Hải đi học nghề may để tự nuôi thân. Đang thất nghiệp, Hải đăng ký đi học ngay, nhưng khổ nỗi chân Hải là chân đi, không thể ở yên một chỗ, sức chịu đựng chỉ được 6 tháng, biết may được cái …quần đùi là hết chịu nổi và từ bỏ ý định trở thành thợ may. Hải nhớ ánh đèn sân khấu và quay trở về đầu quân cho đoàn kịch Thành phố, bắt đầu với những chuyến đi xuyên Việt.
Một năm qua đi, Hải thấy không sống nổi với mức lương quá ít ỏi, hôm nào đủ lương thì được 10 ngàn, nhưng thường là ít khi được trả đủ lương. Hải đành xin nghỉ và xin vào hát nhà hàng ở tàu du lịch cá mập ven sông Bạch Đằng. Cứ 7h tối tàu chạy, có hôm tới trễ, Hải phải thuê ca-nô rượt theo cho kịp giờ diễn, coi như đêm đó tiền hát không đủ bù cho tiền thuê ca nô. Cũng chỉ được một thời gian ngắn, Hải không chịu nổi cách cư xử thiếu văn hoá của những người khách say rượu trên tàu, Hải lại xin nghỉ và xin vào hát ở các vũ trường. Hát vũ trường tiền cát-xê có khá hơn, nên kinh tế có “lên” chút đỉnh, Lý Hải dành dụm mua một chiếc PC giá 1 chỉ rưỡi vàng để chạy show. Nhưng tội nỗi là xe cũ quá, Lý Hải dắt xe thì nhiều mà chạy xe thì ít. Lý Hải lại tiếp tục dành dụm để mua một chiếc babetta giá 3 chỉ 3 vàng. Vậy là có “con xe” ngon lành chạy show quanh Thành phố rồi. Kinh tế khá ổn định, không phải “chạy ăn từng bữa toát mồ hôi” nữa nên Lý Hải quyết định nghỉ hát vũ trường và tiến ra hát ở các tụ điểm ca nhạc nhờ các anh chị đi trước giới thiệu điểm hát. “Điều may mắn của Lý Hải là rất được các anh chị đi trước yêu mến và giúp đỡ tận tình như anh Thế Hiển, Hạ Lan, chị Trang Kim Yến, cô Kim Ngọc, chú Quốc Hoa, anh Phú Quý, chú Duy Phương…”
Lý Hải nhớ lại. Năm 1993 Lý Hải xuất hiện trên sân khấu chuyên nghiệp cùng hai diễn viên múa minh hoạ là Hữu Bình và Hữu Thương vừa nhỏ vừa mới lạ nên đã mau chóng chiếm được cảm tình của khán giả ở tất cả các sân khấu lớn của Thành phố. Lúc này Lý Hải được mệnh danh là “đôi chân vàng” cùng với những ca khúc sôi động. Nhờ đó Lý Hải dành thêm được tiền “sắm” một chiếc dream 2. Với Lý Hải, chiếc xe là món đồ quý giá vô cùng vì anh tự hào là mua được từ mồ hôi, công sức của mình nên chỉ dám ngắm mà không dám…chạy. Hàng ngày cứ ngồi ngắm chiếc xe mà cười hoài vì sung sướng. “Đôi chân vàng” Lý Hải rất đắt show nên cũng kiếm được khá tiền.
Cùng với sự trợ giúp của gia đình, Lý Hải mua được một căn hộ chung cư ở đường Nguyễn Cư Trinh vào năm 1994, đây chính là căn nhà đầu tiên trong cuộc đời Lý Hải. Đã có những bước thành công trong sự nghiệp, tên tuổi thường xuyên được căng trên các băng–rôn, nhưng Lý Hải vẫn buồn lắm vì chưa từng được một lần hát trên quê hương nơi mình sinh ra và lớn lên. Hải thường mơ mình được hát cho bà con, xóm giềng, bạn bè, cho gia đình mình nghe vì mọi người đều trông chờ khi nghe nói Lý Hải hát ăn khách lắm. Và Lý Hải không bao giờ quên giây phút mình được đứng trước những người thân yêu và khán giả quê hương mình. Lý Hải hồi hộp và run lắm vì nếu hát dở sẽ không còn mặt mũi nào để về quê nữa. May mắn là trời thương nên buổi diễn đó thành công ngoài sức tưởng tượng, Lý Hải mừng đến nỗi trào nước mắt.
Trưởng thành từ “Trọn đời bên em”
Thành công trên con đường âm nhạc mang đến cho Lý Hải những thành quả kinh tế đáng nể. Đúng hai năm sau khi mua căn nhà đầu tiên, Lý Hải đã dời khỏi đó và mua nhà riêng ở đường Huỳnh Văn Bánh. Năm kế sau, Lý Hải là một trong những ca sĩ đầu tiên mua xe hơi, khi đó số ca sĩ có xe hơi rất hiếm hoi, không giống như bây giờ. Tuy nhiên sau đó, một làn sóng nhạc mới nổi lên, phong cách hát nhạc sôi động không còn hợp thời nên vô hình trung tăm tiếng anh bị tụt dốc. Lý Hải buồn vô cùng, cố gắng hết sức để “cựa quậy” nhưng vô vọng, không tìm được lối thoát cho mình. Phải đến năm 2000, sau một thời gian suy nghĩ tìm cho mình hướng đi mới, Lý Hải đã hợp tác cùng một người bạn là Vĩnh Thuyên. Hai người đã chọn hướng đi không hát nhạc sôi động nữa mà chuyển sang dòng nhạc trữ tình, với mong muốn, những ca khúc hát lên sẽ ở lại trong lòng từng khán giả. Đặc biệt là cách sáng tạo trong làm phim - ca nhạc, tức là quay minh họa có cốt truyện cho các ca khúc. Đầu năm 2001, album “Trọn đời bên em” đầu tiên được phát hành và chỉ trong một thời gian rất ngắn sau, Lý Hải đã lấy lại được vị trí của mình trên sân khấu, tạo được chỗ đứng mới trong lòng khán giả. Sau thành công rực rỡ này, Lý Hải đã cho ra đời tiếp tục các Vol tiếp theo. Năm 2004, Lý Hải chia tay Vĩnh Thuyên và tự mình quản lý tất cả mọi việc. Từ “Trọn đời bên em vol.5” trở đi, ngoài việc viết kịch bản như những album trước, Lý Hải kiêm luôn đạo diễn cho các album của anh. Đến hôm nay Lý Hải đã thực hiện đến Vol 10 và liên tục nhận được sự yêu mến, ủng hộ của khán giả. “Trọn đời bên em” bây giờ đã gắn với Lý Hải như một thương hiệu riêng. Lý Hải luôn cảm ơn khán giả đã ở bên anh kể cả những năm tháng khó khăn của anh bởi vậy anh luôn cố gắng sẽ cố gắng hết sức mình để không phụ lòng khán giả. Tuy nhiên anh cũng cho biết Trọn đời bên em sẽ dừng lại ở vol 10 bởi Lý Hải cho rằng mình phải vượt qua chính mình, và anh sẽ dừng lại trước khi khán giả nhàm chán mình. Dừng lại không có nghĩa là kết thúc, mà dừng lại là để bước thêm một bước ngoặt mới, để tạo ra những sự đột phá mới lạ cho người hâm mộ mình. Kế hoạch sắp tới của anh là sản xuất phim nhựa để chiếu rạp.
Ngoài ra, một niềm vui khác mà Lý Hải rất tự hào muốn chia sẻ cùng với khán giả yêu thương mình là Tết âm lịch năm 2006, Lý Hải chuyển sang ngôi nhà mới ngụ tại đường 3/2. Đây là ngôi nhà Lý Hải ưng ý nhất cả về vị trí và kiến trúc và anh đã phải mất 2 năm với sự giúp đỡ của 3 kiến trúc sư mới hoàn thành xong. Đây có thể coi là một dấu ấn cho sự ổn định cuộc sống riêng của Lý Hải. Nhưng, với sự nghiệp, bao giờ Lý Hải cũng nghĩ mình chỉ mới bắt đầu, còn rất nhiều hoài bão và ước mơ ở phía trước mà anh muốn thực hiện. Bởi vì anh luôn ước mong được trọn đời bên khán giả của mình , luôn muốn được khám phá những chân trời mới, những con đường mới trong âm nhạc. Anh tin với sự lao động không biết mệt cùng với sự phấn đấu không ngừng nghỉ, anh sẽ đáp ứng được mong mỏi của khán giả và đứng vững trên con đường đi của mình.
Bên cạnh đó, ngoài công ty TNHH Vạn Lợi chuyên cung cấp sản xuất các loại bồn sắt và thép chứa xăng dầu và chứa nước, kinh doanh từ năm 1996 cùng hai anh trai và kinh doanh bất động sản, từ 2010 Lý Hải đã lấn sân sang lĩnh vực làm đẹp. Lý Hải đã cùng công ty FNC phân phối mỹ phẩm được chiết xuất từ tế bào gốc và nhiều dòng sản phẩm khác.
Tình yêu và gia đình
Năm 2004, Lý Hải mời Minh Hà làm diễn viên chính trong album trọn đời bên em vol.5 của mình. Thời gian đó Minh Hà ngoài làm người mẫu, cô cũng đang là sinh viên năm nhất đại học Luật thành phố Hồ Chí Minh. Trong quá trình làm việc chung, cùng đi tập múa, đi quay, dựng phim, lồng tiếng… cả hai đã nảy sinh tình cảm và bắt đầu quen nhau từ sau khi quay xong album vol 5.
Năm 2005, Minh Hà tiếp tục làm diễn viên chính trong Album Trọn đời bên em vol 6 của Lý Hải.
Thời gian đầu quen nhau cả gia đình Hà không đồng ý. Gia đình Minh Hà lo rằng Lý Hải lớn hơn Hà nhiều tuổi lại khác nhau về nghề nghiệp nên sợ khó hiểu nhau và tình cảm khó bên do nghệ sĩ thường bị nghĩ rằng là những người rất trăng hoa. Bản than Minh Hà và Lý Hải cũng phải thay đổi vì nhau khá nhiều do xuất thuân, tuổi tác và công việc khác nhau. Khi mới quen nhau Minh Hà luôn buồn vì Lý Hải là người khá khô khan và chỉ biết tới công việc là trên hết. Còn Lý Hải cũng khó chịu vì Minh Hà cứ như một cô công chúa và suốt ngày chỉ lo học. Cả hai có khi không gặp nhau cả 2 tháng trời. Đặc biệt là những lúc Lý Hải đi lưu diễn nước ngoài hoạc khi Minh Hà đến kỳ thi. Lý Hải tâm sự có lẽ quen nhau được lâu như thế là vì ngoài những điểm khác biệt thì Minh Hà rất hiểu Lý Hải, nhiều khi không cần nói ra cô ấy đã hiểu. Và Minh Hà cũng rất hiểu cho công việc của Lý Hải nên cô ấy không hề ghen tuông vu vơ. Thôi thì bù trừ chứ đâu có gì là hoàn hảo. Thời gian cứ thế trôi qua, sau 4 năm cuối cùng thì cả hai đều được hai gia đình ủng hộ.
Năm 2008, sau khi tốt nghiệp đại học luật Minh Hà muốn tiếp tục học xong bằng thạc sĩ luật mới lập gia đình, còn Lý Hải thì đã quá tuổi lập gia đình vì thế cả hai quyết định chia tay. Tuy nhiên chỉ được vài tuần, cả hai đều thấu rằng còn yêu thương nhau nhiều, nên Lý Hải đã chấp nhận nhường bước để Minh Hà hoàn thành thạc sỹ rồi kết hôn. Sau đó, Minh Hà sang Anh học thạc sĩ còn Lý hải vẫn ở Việt Nam tiếp tục công việc và sự nghiệp của mình.
Tháng 8 năm 2010, Minh Hà trở về nước vừa hoàn thành luận văn thạc sỹ vừa chuẩn bị cho đám cưới của mình. Đang chuẩn bị đám cưới thì không may vào đầu tháng 9/2010 ba Lý Hải bệnh nặng, cả hai tưởng rằng phải hoãn đám cưới vô thời hạn rồi, may mắn sau hơn ba tuần cấp cưu bệnh viện chợ rẫy ba Lý Hải đã hồi sức, thế là cả hai lại tiếp tục chuẩn bị đám cưới. Lý Hải và Minh Hà rất mong ba sẽ khỏe manh mau để có thể làm chủ hôn cho đám cưới của mình. Như vậy, sau hơn 6 năm quen nhau, tới đây cả hai sẽ đưa tình yêu của mình sang một bước ngoặt mới bằng một đám cưới vào ngày 18/11/2010 nhà hàng tiệc cưới WHITE PALACE.