soi gương để tránh bẫy phù phiếm
07-01-2012 , 18:21
Linh Nga |
- Nhắc đến Linh Nga, người ta thấy hình ảnh một phụ nữ viên mãn: sắc nước hương trời, tài năng thành đạt và gia đình hạnh phúc. Đủ đầy như thế, liệu chị có khát khao gì cho những năm tháng tới?
- Nhiều chứ, nhưng khát khao nhất của tôi vẫn là cháy được ngọn lửa nhiệt huyết như hồi mới về nước. Năm 2008, khi vừa tốt nghiệp ở học viện múa Bắc Kinh về Việt Nam, tôi đã có một khát vọng cháy bỏng là được sống bằng nghề của mình tại quê hương. Và sau 3 năm, tôi vẫn được nhắc tới với cụm từ "diễn viên múa Linh Nga", đó là một niềm hạnh phúc. Mặc dù đã lập gia đình nhưng tôi khẳng định sẽ vẫn làm nghề một cách nghiêm túc nhất. Cuộc sống quá bận rộn, có đôi khi tôi sợ mình sẽ đánh mất đi nhiệt huyết với nghề. Thế nên, tôi cũng khát khao có sức khỏe tốt để có thể cống hiến thêm cho nghệ thuật múa và chăm lo cho gia đình nhỏ của mình.
- Đam mê múa và theo nghề nhiều năm, chị có bao giờ cảm thấy mình đang cố với tới một đỉnh cao không thể chạm vào?
- Bản thân việc theo đuổi nghệ thuật đã là chạm vào một đỉnh cao, không chỉ múa mà ngành nào cũng vậy. Đó là sự hy sinh và kiên trì của người nghệ sĩ. Tôi vào trường múa năm 12 tuổi, khi ấy người ta quá bé để tự bảo vệ mình. Nhưng cũng chính kỷ luật sắt của trường đã rèn luyện tôi. Điều đó thôi thúc tôi đi tìm không gian riêng cho mình để có thể đạt tới cánh cửa của "cảnh giới" của nghệ thuật múa, dù biết là rất khó.
- Làm nghệ thuật khó tránh sa vào bẫy phù phiếm của cái danh, làm thế nào chị tránh được?
- Khi mới về nước, mọi thứ đến với tôi quá nhanh, đến mức có lúc tôi cảm thấy không nhận ra chính mình. Bản thân phải thay đổi liên tục trong các chương trình và sự kiện. Chỉ có buổi sáng khi bước lên sàn tập, mặc bộ đồ tập, soi gương, rồi tập những động tác múa, tôi mới cảm thấy đó là chính mình. Tất cả những ánh hào quang, sự phù phiếm của đêm diễn hôm trước đều tan biến hết trên sàn diễn. Những giọt mồ hôi và hình ảnh mẹ đang hướng dẫn mình tập múa khiến tôi cảm thấy thoải mái và thăng hoa hơn. Gia đình là cái nôi đã giúp tôi tránh được những giá trị ảo trong cuộc sống, cũng như vượt qua nhiều giới hạn của chính mình.
- Vậy chị quan niệm thế nào về sự phù phiếm? Đối với chị, sự phù phiếm xứng đáng được ca ngợi hay cần phải kiềm chế?
- Với tôi, phù phiếm là một sự hoang phí. Tôi nghĩ mình rất phù phiếm trong nghệ thuật, bao gồm sự đầu tư lẫn hy sinh và cả việc trau dồi kiến thức để đi đúng con đường đã chọn. Nhưng sự phù phiếm trong cuộc sống thì phải hạn chế vì mình là người phụ nữ của gia đình.
Điều quan trọng mà tôi hướng tới là hạnh phúc thực sự chứ không phải vật chất. Khi mình có được cảm giác hạnh phúc, mình mới có tất cả.
- Thường xuyên xuất hiện tại các sự kiện thời trang lớn, với những phụ kiện và trang phục mang thương hiệu tên tuổi, chị có phải là tín đồ hàng hiệu?
- Tôi không phải tín đồ hàng hiệu mặc dù rất khâm phục sự sáng tạo của những người làm ra những tạo vật đẹp đẽ ấy. Mỗi món hàng hiệu đều ẩn chứa một nền tảng văn hóa và sự quý phái bên trong nó. Không phải cứ có tiền để mua chúng là đã hiểu hết nghĩa của món đồ ấy. Tôi luôn muốn mình xuất hiện trong những trang phục đẹp, nhưng vẫn phải nhận ra đó là mình và tôi thấy tự tin khi mặc nó. Sự trang nhã và khiêm tốn là 2 yếu tố tôi luôn chú trọng. Đối với các thương hiệu hiện tại, tôi thích sự điên cuồng của Alexander Mc Queen, sự trang nhã lịch thiệp của Valentino, sự trẻ trung của Céline...
- Theo chị, sự xa xỉ thể hiện đẳng cấp của người thành đạt hay đó là thói quen?
- Sự xa xỉ không thể hiện đẳng cấp của người thành đạt, cũng chưa hẳn do thói quen, nó chỉ là sở thích của mỗi cá nhân. Tôi không dễ dàng đạt được thành quả của ngày hôm nay nên rất hiểu giá trị của nó và cân nhắc trước khi làm gì. Ngày trước, bố mẹ tôi hầu như ngày nào cũng đi diễn để có tiền lo toan cho con cái và dành dụm tiền cho ước mơ của con gái. Những hình ảnh ký túc xá, sàn tập, bát ăn cơm bằng sắt... gắn liền với tuổi thơ của tôi khi còn học trong trường. Đi lên từ những ngày tháng khó khăn, vất vả nên bây giờ với đồng tiền kiếm được, tôi có sự tính toán và trân trọng nó, chứ không hoang phí. Bây giờ, dù tiếp xúc với đời sống xa xỉ thường xuyên, song tôi nghĩ mình vẫn phải khiêm tốn và soi gương để luôn biết mình ở vị trí nào.
- Sau "Vũ", chị sẽ lại cháy hết mình với một chương trình tên "Sen". Vì sao lại là "Sen", một cái tên cũng ngắn gọn không kém gì "Vũ"?
- Chương trình Sen sắp tới của tôi là một sự tích lũy, học hỏi và rút kinh nghiệm trong 3 năm qua, từ khi trở về Việt Nam làm việc. Sau Vũ, tôi muốn gửi tặng đến khán giả một đêm múa thuần Việt, mang đậm màu sắc văn hóa dân gian pha hiện đại. Hoa sen tinh khiết là ý tưởng xuyên suốt chương trình.
- Lần này khán giả sẽ được thấy một Linh Nga như thế nào?
- Sen sẽ rất khác biệt so với Vũ. Nếu Vũ là báo cáo kết quả của tôi sau nhiều năm xa nhà học tập thìSen là cảm nhận, là cái nhìn mới của một người trẻ sau 3 năm sống và làm việc tại Việt Nam. Tôi hy vọng sẽ thể hiện được Sen như một bức tranh trong sáng và tinh tế, được dệt lên bởi sự lao động nghiêm túc và đầy sức sống trong cái nôi nghệ thuật dân gian Việt Nam.