Giống và khác nhau giữa lễ cưới của 3 miền Thứ ba, 08/11/2011, 14:12 GMT+7 Hôn Lễ có quy định chặt chẽ của dân tộc Việt từ trước tới nay không có gì thay đổi trên nền tảng cơ bản. Ngày nay, cả 3 miền Bắc Trung Nam vẫn còn lưu truyền, mỗi nơi có một nét đặc trưng riêng biệt, có thể xem là những bài học kinh điển trong các nghi thức Cưới Hỏi.
Hà Nội Nghi thức, nghi lễ cưới ở Hà Nội so với các vùng khác có quy định nghiêm ngặt hơn, nhưng trải qua một thời gian nghi thức đó cũng đã thay đổi theo tiến bộ của xã hội. Tuy nhiên, dù có thay đổi gì cũng phải giữ 3 lễ: Chạm ngõ là lễ tiếp xúc đầu tiên, chính thức của hai gia đình nhà trai và nhà gái. Ngày nay, những gia đình ở Hà Nội vẫn giữ nguyên nếp xưa, lễ chạm ngõ vẫn được xem là thủ tục cần thiết, để giữa hai gia đình, "chỗ người lớn" thưa chuyện với nhau. Sau lễ chạm ngõ, người con gái được xem như có nơi có chốn, bước đầu để tiến tới chuyện hôn nhân.
Sau lễ chạm ngõ là đến lễ ăn hỏi. Dù là tầng lớp nào thì cũng không thể thiếu được cơi trầu. Một lễ ăn hỏi của người Hà Nội thì không thể thiếu cốm và hồng. Nếu gia đình khá giả thì ngoài cốm - hồng và trầu cau còn có thêm lợn sữa quay. Ðồ lễ ăn hỏi gắn liền với đặc sản của vùng đất Hà Thành, gồm có: bánh cốm, bánh su sê, mứt sen, chè, rượu, trầu cau, thuốc lá... Dù lễ vật nhiều, ít nhưng không thể thiếu bánh "su sê", ngày xưa gọi là bánh "phu thê", một số địa phương gọi chệch ra là bánh "su sê" là biểu tượng của đôi vợ chồng duyên phận vẹn toàn. Thông thường lễ ăn hỏi gồm có 3 lễ: lễ đàng nội, lễ đàng ngoại và lễ tại gia. Lễ tại gia thường được chia ra đưa kèm theo người được mời cưới. Thời gian sau khi ăn hỏi đến lễ cưới thông thường là dưới 10 ngày. Lễ rước dâu ngày xưa có rất nhiều thủ tục, đi đầu đám rước là những người giàu có địa vị trong làng xã, khi đón dâu ra đến đầu làng còn có lễ chăng dây, đầu làng hoặc đầu phố (lễ chăng dây đến đầu thế kỷ XX vẫn còn), muốn đi qua phải đưa một ít tiền. Ăn uống, tiệc tùng diễn ra trước ngày cưới 1 ngày (bây giờ thường tổ chức ngày trong ngày cưới). Sau khi Hà Nội đô thị hóa, dân cư tập trung chủ yếu ở trung tâm thành phố, là khu vực 36 phố phường thì phong tục cưới xin cũng vì thế thay đổi do tiếp thu trình độ văn hóa phương Tây. Ðám cưới bắt đầu xuất hiện thiệp báo hỷ, khi đưa thiệp mời cưới phải đưa kèm theo chè và hạt sen (lấy từ lễ ăn hỏi). Ðến nay tục này vẫn còn được giữ lại. Nếu là đám cưới của những gia đình khá giả, phải có quả phù tang (dùng để đựng đồ lễ, dài từ 80cm đến 1m) do hai người khiêng, đựng trầu cau, lợn sơn son (tục này vẫn được giữ trước năm 1945). Sâm banh được mỡ ra báo hiệu một lễ cưới bắt đầu, rượu sâm banh với bánh sâm ba là hai thứ không thể thiếu trong lễ cưới của những người phong lưu. Nhưng dù là người giàu hay nghèo trong đám cưới cũng chỉ dùng tiệc ngọt (không dùng mặn). Trong khi đón dâu, cô dâu chú rể phải làm lễ gia tiên, lễ này như một sự tưởng nhớ đến cội nguồn, tổ tiên. Sau lễ thành hôn, hai vợ chồng tân hôn trở về nhà gái mang theo lễ vật để tạ gia tiên gọi là lễ lại mặt. Lễ này hiện nay một số đám cưới bỏ qua, từ sau lễ lại mặt bố mẹ cô dâu mới chính thức tới nhà thông gia, vì trong lễ cưới mẹ cô dâu không đi đưa dâu. Lễ lại mặt thường tiến hành vào ngày thứ hai hoặc thứ tư sau lễ cưới (gọi là nhị hỷ hoặc tứ hỷ). (Nhà Hà Nội học NGUYỄN VINH PHÚC) Huế Quy trình tổ chức lễ cưới ở Huế cũng có đủ các bước thủ tục như các địa phương khác, từ lễ chạm ngõ, hỏi cưới, đến tân hôn vu quy... Nhìn tổng thể, các đám cưới Huế thường diễn ra tiết kiệm, giản đơn, không phô trương, nhưng ở mỗi phần cụ thể khá cầu kỳ, với quan niệm "trọng lễ nghi khi (khinh) tài vật". Chuẩn bị lễ hỏi, lễ cưới, người Huế thường xem ngày giờ tốt xấu, có khi lên chùa thỉnh ý các cao tăng. Sau khi chọn ngày giờ, hai bên thông gia sẽ báo cho nhau bằng một cuộc thăm đơn giản. Việc này cũng đôi khi do đôi bạn trẻ thực hiện, nhưng phải là hai nhà có thân tình từ trước.
Ðối với đám hỏi, người Huế chỉ xem là buổi gặp mặt giữa hai gia đình và tông tộc thân thích để giới thiệu đôi bạn trẻ, không tổ chức rầm rộ. Ðám cưới Huế có các lễ: xin giờ, nghinh hôn, bái tơ hồng, rước dâu diễn ra ở nhà gái, và đón dâu, trình báo gia tiên ở nhà trai. Người Huế không có tục thách cưới, lễ vật trong lễ cưới tối thiểu chỉ gồm có mâm trầu cau, rượu trà, nến tơ hồng, bánh phu thê. Nếu khá giả, nhà trai có thể thêm bánh kem, bánh dẻo; không có "lợn quay đi lộng" như nhiều nơi. Ngoài ra, đám cưới ở Huế luôn có phù dâu, phù rể và hai đứa trẻ rước đèn đi trước. Hai đứa trẻ thường là 1 trai 1 gái, tuổi tương đương cầm lồng đèn hay cầm hoa. Trong đêm tân hôn, đôi bạn trẻ phải làm lễ giao bôi hợp cẩn. Người Huế có tập tục để trong phòng hoa chúc một khay lễ với 12 miếng trầu, đĩa muối, gừng và rượu giao bôi. Ðôi bạn trẻ phài nhai hết 12 miếng trầu ấy, tượng trưng cho 12 tháng hòa hợp trong một năm, 12 năm hòa hợp tuần hoàn trong một giáp âm lịch. Việc ăn muối ăn gừng mang màu sắc dân gian, biểu tượng nghĩa tình nồng thắm. Còn rượu giao bôi thì theo đúng với lễ giáo phong kiến của Trung Hoa cũ. Khi đưa dâu, thông thường bố mẹ cô gái sẽ không theo xe, mà hôm sau mới sang nhà trai, với ý nghĩa xem cô con gái ngày đầu về làm dâu có làm điều gì phật lòng nhà chồng. Buổi gặp này, hai bên thông gia đối đáp những câu khách sáo, nhắn gửi con cái cho nhau, và căn dặn con mình phải thuận thảo với gia đình bên vợ hoặc bên chồng. Hiện nay, lễ này đã được nhiều gia đình Huế giảm bớt, bằng cách khi rước dâu, bố cô gái theo về nhà trai bằng một chiếc xe khác xe hoa, và tại tiệc đãi sẽ trao đổi với nhà trai. Ba ngày sau lễ cưới, cô dâu mới được trả lại nhà bố mẹ để thu dọn tư trang về nhà chồng, bắt đầu cuộc sống làm dâu. Tính cầu kỳ của người Huế tại lễ cưới chủ yếu trong cách hành xử. Không hề có chuyện ầm ĩ ồn ào thái quá trong các lễ và tiệc cưới. Trao đổi ngôn từ giữa hai bên thông gia, giữa bà con thân thuộc đều rất thận trọng. Việc thưa gửi, trình bày của chủ hôn, bố mẹ hai bên đều rất khuôn sáo và không bỏ sót ai. Ðặc biệt, quan hệ tuổi mạng rất được coi trọng ở đám cưới Huế. Vị chủ hôn thường là vị cao niên trong dòng tộc hai bên, thân thuộc với gia đình, vợ con đầy đủ, không tật bệnh, tuổi không khắc kỵ đôi tân hôn. Các phù dâu phù rể là người chưa có chồng vợ, tính tình vui vẻ nhanh nhẹn. Một số nhân vật khác cũng được lựa chọn tùy phần nghi lễ phù hợp. Ðơn cử trước ngày cưới đôi tân hôn có thể đưa nhau đi may áo cưới (nếu gia đình khá giả), thì ngày giờ đi may phải tốt, chủ tiệm may là người còn cả vợ chồng, nhiều con cái, gia đình hòa thuận. Việc bài trí phòng tân hôn phải do một người phụ nữ lớn tuổi, phúc hậu sửa soạn. Lễ vật rước dâu, nhà trai nhờ một người cao tuổi, đủ vợ chồng con cái, gia đình hòa thuận kiểm tra. Người này cũng sẽ têm trầu cau, bày cặp nến hồng trên bàn thờ gia tiên nhà gái. Sau khi lễ xong, cặp nến hồng cũng phải được người này thổi tắt. Số người nhà trai đi rước dâu luôn ở số chẵn. Trước khi đi và khi đón dâu về, nhà trai thường cử vài người đàn ông trẻ tuổi hoạt bát, đã có vợ con ra đứng đón sẵn để "lấy hên" cho đôi tân hôn. (Tiến sĩ TÔN THẤT BÌNH) Nam Bộ Hôn lễ chính cử hành tại gia đình. Vì là lễ điều kiện tiên quyết là trang nghiêm, sạch sẽ. Vị trí buổi lễ là khu vực thờ tổ tiên, trong nhà, trang trí tùy theo gia đình, phải có đủ "hương đăng hoa quả". - Họ hàng đàng trai đến, có người làm mai đi đầu. Phẩm vật đưa đến, ngoài trái cây, bánh kẹo, phải có trầu cau, truyền thống này nay vẫn giữ, nghe đâu có từ thời Hùng Vương dựng nước. Ðó là nét văn hóa, linh thiêng của dân tộc Việt. Phải có cặp đèn (nến) thật to, trùng với kích thước của đôi chân đèn trên bàn thờ. Ðại diện nhà trai đến, kính cẩn mời đàng gái uống trà, rượu, và mời ăn trầu. hai bên bàn bạc với nhau vài chi tiết, tặng nữ trang, tiền mặt, không mất thì giờ vì đã thỏa thuận với nhau từ trước rồi. Xong xuôi, người trưởng tộc của đàng gái tuyên bố: "Xin làm lễ lên đèn". Hiểu đó là kiểu "ký tên, đóng dấu" chính thức. - Lên đèn là nghi lễ quan trọng và thiêng liêng nhất, bắt buộc phải có. Hai ngọn nến to, do đàng trai đem đến được đặt trên bàn thờ ông bà. Người trưởng tộc bèn khui một chai rượu, trong số hai chai do đàng trai đem đến. Rồi thì ông đứng trước bàn thờ ngay chính giữa, cô dâu và chú rể đứng hai bên, im lặng. Hai ngọn đèn được đốt lên, từ ngọn lửa của cái đèn trứng vịt nhỏ của bàn thờ (hiểu là lửa hương hỏa). Hai ngọn đèn cháy từ từ, đặt sát nhau vì người làm lễ đang áp vào hai tay, như khấn vái. Khi lửa cháy đều ngọn, ông này từ từ giang cánh tay ra trao cho hai người trợ lý mỗi bên một ngọn để cắm vào chân đèn. Ngọn đèn phải cháy thong dong, đều đặn, nếu bên cao bên thấp thì sẽ có dư luận chàng rể sợ vợ, cô dâu sẽ lấn hiếp chồng. Ðề phòng nến tắt, nhiều người đóng cửa sổ thật kỹ, sợ gió tạt hoặc tạm thời tắt quạt máy. Ngày nay, đèn chế biến bằng hóa chất, không làm bằng sáp ong như xưa nên dễ tắt bất ngờ. Trong lúc lên đèn, có sự tôn nghiêm kỳ lạ. Lửa là sự sống, là niềm lạc quan. Lửa nối quá khứ, nối tổ tiên đến hiện tại. Lửa nối mặt đất lên trời. Lửa dịp lễ hội ở đình làng, với đèn. Lửa ở ngay cà những Thế vận hội. Lễ lên đèn theo tôi là lễ quan trọng, bắt buộc phải có ở mọi hôn lễ từ xưa đến nay. Lên đèn là đủ rồi. (Nhà văn SƠN NAM ) Sưu tầm |
Copyright © 2011 Wedding TV - Ruby Communication |