Giới thiệu: Đến Phan Thiết, hầu hết du khách đều muốn thăm và nghỉ lại ở Mũi Né - Hòn Rơm, cách thành phố Phan Thiết hơn 20 km. Nổi bật ở đây là sự hình thành các resort nghỉ dưỡng đa dạng.
Dọc theo tuyến đường Phan Thiết - Mũi Né - Hòn Rơm có khoảng hơn 20 resort. Tên gọi của các resort (khu nghỉ dưỡng) thường có liên quan đến biển như: The Beach, Bamboo Village, Sài Gòn Mũi Né, Seahorse, Blue Ocean.. Với lợi thế có nhiều công trình kiến trúc cổ như đình chùa, đền tháp xây từ thế kỉ 15-18 mang đậm dấu ấn văn hoá Chăm, Hoa; những đồi cát vàng, cát trắng nối tiếp nhau, nước biển trong xanh, đất thoai thoải tạo cho Mũi Né như một thành phố du lịch thu nhỏ. Muôn màu muôn vẻ trong một chỉnh thể du lịch Du khách không khỏi chóng mặt khi chọn địa điểm nghỉ ngơi.
Mỗi resort có nét riêng và mỗi năm lại thay đổi mới một tí để thu hút du khách. Cho dù đến đây nhiều lần, nhưng du khách vẫn cảm nhận được sự mới lạ của làng resort. Một phần bởi nó đa dạng về hình thể, không resort nào giống resort nào, ai cũng tạo cho mình nét ấn tượng riêng để thu hút khách. Có resort chỉ sử dụng tre là chất liệu xây dựng chính, và cũng có một resort chỉ toàn là mái tranh. Pandanus với mái ngói đỏ tươi duyên dáng bên cạnh biển và có bể bơi được xem là lớn nhất trong làng resort. Hay là một Coco beach như một thế giới riêng với 5 quán bar, 1 thư viện, 2 nhà hàng, 1 shop hàng lưu niệm.
Người ta ấn tượng với nhà tắm ngoài trời ở Seahorse resort. Do không có mái che nên du khách có thể hưởng trọn làn gió dịu mát trong lành từ cây cối xung quanh ùa xuống. Tên gọi Siva khiến du khách liên tưởng đến sự tích nàng Siva trong văn hoá Chăm. Thật vậy, tất cả những nét văn hoá Chăm rất riêng của Bình Thuận hội tụ về Siva resort. Ngừơi ta càng không quên được những ánh đèn ngọt ngào toả ra từ Swiss resort.. Còn rất nhiều, rất nhiều những nét riêng trải đều ở từng resort. Nhưng dù biến tấu thế nào thì chúng cũng có chung đặc điểm là mang tính chất Việt, tựa như hình ảnh của một vùng quê Việt Nam thu nhỏ trên cơ sở phối hợp hài hoà với thiên nhiên. Cho nên dù tiện nghi hiện đại, nhưng người ta vẫn cảm nhận đựơc sự gần gũi, bình dị của một làng quê ven biển.
Chen lẫn vào những hàng dừa ven biển là những túp lều tránh nắng, làm nâng hơn cái thế chót vót của những hàng dừa mà có cây trên 100 tuổi. Resort là khu du lịch sinh thái thu nhỏ với màu xanh của các loại cây kiểng từ các miền của đất nước hội tụ về đây. Bước vào resort nào cũng mát rượi những làn gió từ biển thổi vào. Resort nào cũng phảng phất mùi hương của hoa, ưa chuộng nhất là hương nhẹ nhàng quyến rũ của hoa sứ. Hoa sứ trải dọc theo các bậc thang, trên giường, góc phòng và cả phòng tắm. Mỗi nơi tạo ra một phong cách riêng biệt “Vui lòng khách đến, đến rồi thì sẽ đến nữa” là phương châm phục vụ của các resort.
Nhiều người chủ khu resort cho biết, mỗi nơi phải tự tìm ra một cách để giữ chân khách, có thể ở khâu món ăn ấn tượng, cách phục vụ ấn tượng, bể bơi ấn tương. Có resort đón chào du khách bằng những điệu múa Chăm, dân ca, hoặc đội nón bàng buông cho du khách khi khách vừa bứơc vào resort.
Món ăn đặc trưng nơi đây là hải sản đựơc biến tấu đa dạng qua đôi bàn tay khéo léo của đầu bếp. Hầu như mỗi nơi có một món đặc trưng gây ấn tượng cho khách. Chẳng hạn, theo chủ nhân resort Hoàng Ngọc thì chỉ mỗi nơi đây có món tôm vỗ đút lò với màu vàng của phó mát trông thật hấp dẫn. Đa phần khách du lịch từ Tp.HCM đến nghỉ ngơi vào cuối tuần, hoặc người nước ngoài đi tránh đông. Đông nhất là tháng 6 và tháng 10. Ban ngày, khách phương Tây thích tắm cái nắng miền nhiệt đới.
Còn ban đêm, khách đổ ra đường, có người đi bộ, có người thuê xe đạp chạy một vòng quanh làng resort, hoặc ghé vào các quán gần đó. Không ai ngờ rằng thành phố du lịch này lại cực kì tĩnh lặng như ở miền quê khi vào đêm. Không tiếng nhạc ồn ào, có chăng chỉ là tiếng nhạc du dương len nhẹ vào lòng người. Đường phố không chút khói bụi. Đêm đến, Mũi Né- Hòn Rơm trỗi lên âm thanh gió biển thổi lồng lộng. Không chút sao trời, chỉ có ánh đèn từ những khu resort mọc chi chít một góc trời. Trong im lặng ấy, người ta chỉ nghe âm thanh của núi rừng vang lên.
Đó là lời mời gọi của quán “Rừng”. Lọt thỏm giữa làng resort nguy nga tráng lệ, quán Rừng cố tình không sang trọng để tạo ra nét riêng và rất riêng mà người ta không nhầm lẫn. Với những vật liệu từ cây rừng, mái nhà từ vỏ cây rừng, mọi thứ trưng bày đều liên quan đến rừng và cuộc sống của người dân tộc. Đến đây, khách hiểu hơn về văn hoá Chăm qua những điệu múa Chăm. Những món ăn rất riêng: không xương, không da... được chế biến theo kiểu phương Tây.
Nhưng cũng có khách thích bình dân hơn, họ ghé vào quán cháo ven đường với những chiếc bàn gỗ mộc mạc, tô cháo lòng thơm phức bốc khói dưới ánh trăng chiếu sáng trên ngọn dừa. Phía xa, ngoài khơi ánh đèn dần mọc lên tạo thành hàng thẳng tấp. Đấy là ánh đèn từ thuyền câu mực của người dân địa phương. Nói về nghề kinh doanh du lịch thì các chủ resort nhận định là không phải dễ. “Lúc nào cũng phải nhạy bén và tinh mắt để nhận ra những cái lạ, Ông Ngọc - một người lâu năm trong nghề cho biết. “Có khi lo tìm một kiểu ly ưng ý cho resort mà quên cả cái bụng đói”, ông kể lại. Hoặc nhìn thấy một sản phẩm gốm thì phải suy nghĩ xem có phù hợp với resort của mình không hay đặt ở đâu là hợp lí. Sau đó, mới dám đặt hàng. Cái ly, cái muỗng, cách bố trí bàn ăn, tất cả đòi hỏi sự thẩm mĩ và khác lạ.
(Sưu tầm)
|