Hỗ trợ trực tuyến

Hotline : 0987 44 66 99
 

Thống kê

  • Đang online : 807
  • Số lượt truy cập : 61484

Tin tức

 

Thiêng liêng lễ cưới trong nhà thờ

Thứ tư, 21/12/2011, 15:51 GMT+7

Những phút giây hạnh phúc cùng khoảnh khắc vỡ òa trong lễ cưới tại nhà thờ khiến bạn khó quên, cái cảm giác đọc lời tuyên hứa trước cộng đoàn và Đấng tối cao thiêng liêng biết mấy.

 

Những phút giây hạnh phúc cùng khoảnh khắc vỡ òa trong lễ cưới tại nhà thờ khiến bạn khó quên, cái cảm giác đọc lời tuyên hứa trước cộng đoàn và Đấng tối cao thiêng liêng biết mấy.

 

Giây phút trang trọng và hạnh phúc của buổi lễ cưới sẽ để lại trong bạn ấn tượng đặc biệt, nghi thức đeo nhẫn cưới của chú rể và cô dâu là bước ngoặt gắn bó hai con người. Tuy nhiên, trước hết bạn phải là người công giáo và đã chịu các phép bí tích theo đúng luật lệ công giáo. Rất nhiều bạn trẻ muốn được một lần trong đời làm nhân vật chính của buổi lễ ấy. 
 

 
Để có một buổi lễ cưới trang trọng tại nhà thờ có rất nhiều thứ bạn cần phải lên danh sách và có kế hoạch thật hoàn hảo, vì đây là một nghi thức tôn giáo nên các bước chuẩn bị cần phải kỹ càng:

Chọn nhà thờ: bạn hãy chọn nhà thờ mà mình muốn tổ chức lễ cưới, tuy nhiên khi bạn đang ở trong một cộng đoàn thuộc giáo xứ nào đó thì bạn phải tổ chức lẽ cưới tại nhà thờ nơi bạn sống, nếu được sự cho phép bạn cũng có thể tổ chức ở những nhà thờ mà bạn yêu thích. 

Học giáo lý hôn nhân: mỗi cặp vợ chồng trước khi cưới phải học giáo lý hôn nhân từ một đến ba, sáu tháng hoặc có thể nhiều hơn tùy sự sắp sếp thời gian của cả hai với Cha cố. Việc học giáo lý này trước tiên giúp cô dâu chú rể hiểu về đạo đức trong đời sống vợ chồng, trách nhiệm với con cái, gia đình và xã hội, đồng thời biết chăm lo đời sống linh thiêng phần hồn cho bản thân và mọi người trong gia đình. Nếu chú rể hoặc cô dâu không có đạo thì phải học lớp dự tòng để được rửa tội vào đạo rồi mới học dần lên để tiến tới hôn nhân.

Rao hôn phối: sau khi đã hoàn tất khóa học giáo lý hôn nhân, trước ngày làm lễ cưới khoảng ba tuần, tên cô dâu chú rể sẽ được xướng lên trong các buổi lễ chính tại nhà thờ, thông thường là vào Chúa nhật. Đây cũng được xem là thời gian thử thách đối với cặp đôi này, nếu thấy có điều gì bất ổn sẽ trình báo lên Cha cố để xem xét lại. Thường lễ cưới sẽ được tổ chức trong tuần lễ rao lần thứ ba và ngay sau đó là một đám cưới thật vui, ngập tràn hạnh phúc.

Chuẩn bị cho lễ cưới: lễ cưới diễn ra chỉ khoảng một tiếng đồng hồ nhưng bạn phải lo rất nhiều thứ. Đầu tiên là cô dâu chú rể phải thuộc các bước và lời tuyên hứa trong nghi thức, phần này cả hai sẽ được học và tập dượt trước đó một, hai ngày thật nhuần nhuyễn.

Về việc trang trí trong nhà thờ, bạn nên nhờ người phục vụ nhà thờ lo những việc như cắm hoa, ca đoàn hát trong thánh lễ hay việc bố trí chỗ ngồi trong nhà thờ. Số lượng khách phải được ước lượng trước và dành những ghế ưu tiên cho gia đình hai bên cũng như những khách mời đặc biệt.

Để trang trí ghế ngồi bạn có thể dùng nhiều loại hoa hay những dải lụa làm nên sự mềm mại hòa cùng niềm vui của bạn. Bạn cũng có thể đan xen các màu với nhau theo tính đối xứng để tạo không gian ấm cúng của sự liên kết nhưng đừng dùng những màu quá chói làm mất đi sự thiêng liêng của buổi lễ. Về màu sắc cô dâu chú rể thống nhất với nhau để có sự hòa hợp hoàn hảo mang màu chủ đạo.

Việc chụp hình hay trang trí trong nhà thờ bạn phải tham khảo ý kiến Cha cố trước nhé, vì đây là nơi linh thiêng chúng ta phải thật cẩn trọng. Để tạo ấn tượng cũng như tăng thêm vẻ nồng nàn cho buổi lễ bạn có thể dùng một mùi thơm thật nhẹ, quyến rũ trong nhà thờ nơi những bình hoa hay ghế ngồi với những dải lụa ướp hương thơm ngát.

Để chọn hoa cho lễ cưới bạn có thể chọn theo mùa: vào mùa thu có thể sử dụng nhiều loại hoa và màu sắc khác nhau, mùa đông thì bạn nên dùng các loại hoa nhỏ kết hợp với ánh sáng của đèn giáng sinh. Mùa xuân thì trang trí nhà thờ với các loài hoa của mùa xuân như hoa lily,hoa mẫu đơn, violet, hoa lan…còn mùa hè nên làm tươi mát với hoa hồng, thược dược ..bạn cũng nên đặt bóng bay xung quanh nhà thờ, cửa trước và cổng nhà thờ để tạo cảm giác thật hồng cho buổi lễ. Phải luôn nhớ rằng nhà thờ là một nơi linh thiêng, bạn cần phải trang trí sao cho thật lịch sự và hợp với khuôn phép.

Trong thiệp mời bạn cần phải ghi rõ tên thánh của cô dâu chú rể, thời gian và địa điểm cũng như yêu cầu trang phục để khách mời dễ dàng hơn khi tới tham dự.

Giây phút trang trọng và thiêng liêng đầu tiên đã đến, người dắt tay cô dâu vào nhà thờ thường là bố cô dâu, cảm giác thật tuyệt khi bạn từng bước tiến vào thánh đường trước bao con mắt ngưỡng mộ và đặc biệt những thiên thần như đang nhảy múa reo mừng chúc phúc cho bạn, Đấng tối cao đang dõi theo từng bước chân để đưa bạn đến nơi hạnh phúc đích thực. Đây là khoảng khắc thiêng liêng, người dẫn dâu đóng vai trò đại diện cho cả nhà gái, mang cô dâu và cả phần đời còn lại trao cho sự bảo bọc của chú rể và nhà trai. Không gian trong nhà thờ lúc ấy khiến bạn thật sự xúc động vì hạnh phúc xen lẫn những hồi hộp.

Tất cả chúng ta, dù đã kết hôn hay chưa, dù sắp hoặc đang chưa nghĩ đến, dù là ai đi nữa thì cũng đều biết về lời thề nguyện trong ngày cưới. Đó là lúc cô dâu chú rể cùng nhau đọc: "Tôi xin nhận ... làm chồng (vợ) và hứa sẽ chung thủy với ... trong lúc thịnh vượng cũng như lúc gian nan, lúc ốm đau cũng như lúc mạnh khỏe. Tôi sẽ yêu thương và tôn trọng ... đến trọn cuộc đời."

Nếu từng chứng kiến một lễ cưới ở nhà thờ thì bạn sẽ không khỏi xúc động, nhất là giây phút cô dâu chú rể đọc lời thề. Và cha sứ sẽ nói rằng: "Tình yêu thực sự là hai người biết hy sinh cho nhau, vì hạnh phúc của người kia, và vì hạnh phúc chung của nhau." Cha xứ là hiện diện cho Đức Chúa Trời trong buổi lễ quan trọng này, là người chứng giám và thể hiện ý Chúa cho phép hai người được lấy nhau.

Lời hứa mang một ý nghĩa trang trọng và không thể qua loa hời hợt, nó không chỉ là lời cam kết gắn bó cuộc sống với nhau giữa hai vợ chồng mà còn mang ý nghĩa tâm linh như là lời hứa của họ với Chúa Trời. Đặt tất cả tình cảm và lòng chân thành của mình vào ấy, bạn sẽ cảm nhận tình yêu trong bạn mới nồng nàn, cao cả đến mức nào.

Nghi thức đeo nhẫn cưới chính thức gắn kết hai nửa nên một trong tình yêu vĩnh cửu. Chiếc nhẫn với hình vòng tròn được người công giáo coi là biểu tượng của sự trường tồn và vĩnh cửu. Chính vì vậy nhẫn là vật không thể thiếu và được chú rể trao cho cô dâu như lời hứa hẹn họ sẽ sống trọn đời bên nhau.

Ở hải ngoại, nếu lễ cưới được cử hành ở nhà thờ thì nhà thờ đã thừa lệnh của chính quyền địa phương để làm giấy hôn thú cho cô dâu chú rể ngay tại nhà thờ trong khi làm lễ cưới. Nhưng ở Việt Nam, vì không có quy chế này nên cô dâu và chú rể bắt buộc phải có Giấy đăng ký kết hôn từ chính quyền thì mới được tổ chức lễ cưới. Cuối lễ cưới sẽ là nghi thức ký tên vào sổ chứng nhận hôn phối lưu lại giáo xứ và sổ gia đình công giáo – bằng chứng cho hai bạn nên một gia đình mới.

Có tham dự một lễ cưới và theo dõi từng hành động, lời nói cũng như biểu cảm của cô dâu chú rể bạn mới hiểu hạnh phúc chỉ đến khi bạn sống thật với lòng mình, với tình yêu chân chính và bất diệt. “Sự gì Thiên Chúa đã kết hợp, loài người không được phân li”. Bản thân người viết cũng là một người công giáo nên cái cảm xúc khi chứng kiến lễ cưới rất khó tả, chỉ biết dùng hai từ “thiêng liêng”.

Dù cho đám nhà thờ hay đám cưới truyền thống thì bạn vẫn sẽ trải qua một số lễ nghi và mục đích cuối cùng của tất cả là mang đến sự thiêng liêng trong ngày cưới. Tình yêu và ngày cưới của bạn được chứng giám, được ủng hộ và được thăng hoa từ những nghi thức này.

Chúc cho tất cả các cặp đôi luôn cảm nhận được niềm hạnh phúc và tình yêu bất diệt. Hãy trân trọng những phút giây dù ngắn ngủi nhưng thật thiêng liêng và trang trọng trong cuộc đời mỗi người chúng ta.

HÒA NGUYỄN

Weddingbridal.vn

 

Ý kiến

0 Bình luận
 
 

Các tin đã đưa ngày :