Lễ ăn hỏi là một khâu rất quan trọng trong truyền thống cưới hỏi của người Việt. Thông thường vào ngày ăn hỏi, nhà trai sẽ mang qua nhà gái mâm đồ lễ gồm cau, rượu, chè, thuốc (trà) và bánh trái, một con gà trống hoặc nếu nhà nào khá giả thì có thêm một con lợn sữa. Bánh trong lễ ăn hỏi tượng trưng cho Âm – Dương, thường là bánh cốm, bánh xu xê (ở Hà Nội hoặc các vùng lân cận), có nơi dùng bánh nướng, bánh dẻo (ở Hải Phòng) hoặc bánh chưng và bánh dày, kèm với bánh chưng và bánh dày thường có quả nem. Bánh cốm, bánh xu xê, bánh chưng, bánh dày và cả quả nem dùng trong lễ ăn hỏi đều được đựng trong mâm màu đỏ hoặc bọc trong giấy đỏ, màu đỏ tượng trưng cho “hỷ” tức là ăn hỏi, hạnh phúc, vui mừng.
Trước đây lễ ăn hỏi chỉ gồm bánh trái, nhưng ngày nay trong mâm quả của nhà trai còn có thêm một phong bì cho nhà gái gọi là “nạp tệ”, ít nhiều tùy thuộc hoàn cảnh mỗi gia đình. Đây là một vấn đề cũng khá tế nhị và hầu hết đều có ở mỗi đám hỏi, sự đổi mới này là một điều rất thiết thực trong cuộc sống xã hội hiện đại. Ta có thể hiểu “nạp tệ” không phải là khoản thách cưới mà đây là lễ nhà trai trả nghĩa công sinh thành, dưỡng dục của nhà gái đối với con dâu họ sắp rước về, mặt khác theo dân gian ta “dâu là con” nên nhà trai cũng góp công sức vào việc chăm lo, sắm sửa cho con trước ngày Vu quy.
Ngày nay gia đình nhà gái ít thách cưới hơn xưa, hoặc có thách cưới thì cũng tùy theo hoàn cảnh nhà trai mà ước lượng. Nhiều gia đình vì hoàn cảnh khó khăn nên mọi việc lo toan cho việc cưới, hỏi đều do một tay nhà trai hoặc nhà gái đứng ra lo. Chuyện thách cưới trong đời sống hiện nay chỉ như một hình thức hoặc chỉ tồn tại trên diện nhỏ ở các dân tộc thiểu số. Nhiều bậc cha mẹ vì thách cưới quá nặng hay tổ chức lễ cưới rườm rà mà thành ra gánh nợ trên vai đôi vợ chồng trẻ, để rồi làm ăn quần quật mấy năm trời vẫn chưa trả hết. Chuyện thách cưới đã dần dần bị phai mờ trong tiềm thức người Việt.
Tiền “nạp tệ” tuy cũng là một trong số những món trong mâm quả mà nhà trai mang qua hỏi dâu, nhưng đây là món khá nhạy cảm và vì thế đôi lúc khiến những người trong cuộc khó xử. Nhiều gia đình đã quen biết nhau hay khá giả thì cởi mở hơn và vấn đề cũng trở nên dễ hơn, nhưng nhiều gia đình chưa có cơ hội tìm hiểu ý tứ nhau có thể tạo một phản ứng nào đó không hay. Chuyện này đem ra bàn cũng khó mà không bàn thì chẳng biết phải làm sao cho hợp tình hợp lý. Có lẽ cách tốt nhất mà nhiều gia đình vẫn thực hiện đó là bàn bạc thẳng thắn với nhau hoặc nhờ cô dâu thăm dò ý song thân để nhà trai đỡ băn khoăn lo lắng và áy náy về sau. Hoặc nhà trai vẫn băn khoăn chưa tìm ra hướng giải quyết thì cứ đặt trường hợp mình vào vai trò cha mẹ cô dâu để tìm hướng tốt nhất.
Số tiền lớn nhỏ không thể quy định, nhưng không nên quá ít mà cũng không nhất thiết nhiều, vì nếu nhiều quá sẽ làm mất ý nghĩa thiêng liêng ban đầu của nó. Nhiều gia đình có thể tính tiền trăm hay tiền triệu tùy thuộc hoàn cảnh và chỉ một mức phù hợp với môi trường sống mỗi gia đình.
Sự đổi mới này mang tính thiết thực đồng thời cũng thể hiện thiện chí của nhà trai với việc đón nhận và có trách nhiệm với con dâu. Chuyện phong bì trở nên phổ biến, tuy nhiên ta cũng không nên coi trọng số lượng ít nhiều mà quan trọng là hạnh phúc của đôi vợ chồng trẻ!
HOÀ NGUYỄN
Weddingbridal.vn