Những người già trong xã Đông Sang (Mộc Châu – Sơn La) kể rằng, “Hết Chá” là một lễ hội cổ truyền quan trọng trong đời sống văn hóa của người Thái. Đến khoảng giữa những năm 60 của thế kỷ 20, đất nước còn chiến tranh, không có điều kiện tổ chức. Nay, cuộc sống ấm no hạnh phúc đã về với nhiều thôn, ...
Những người già trong xã Đông Sang (Mộc Châu – Sơn La) kể rằng, “Hết Chá” là một lễ hội cổ truyền quan trọng trong đời sống văn hóa của người Thái. Đến khoảng giữa những năm 60 của thế kỷ 20, đất nước còn chiến tranh, không có điều kiện tổ chức. Nay, cuộc sống ấm no hạnh phúc đã về với nhiều thôn, bản ở Mộc Châu, người Thái lại cùng nhau khôi phục lại lễ hội “Hết Chá”.
“Hết Chá” kể lại câu chuyện người bệnh được thầy mo chữa khỏi bệnh và nhận làm con nuôi, cho nên Tết đến phải về lễ để thể hiện lòng biết ơn. Thầy mo với vai trò là người kết nối giữa con người và thần linh dâng lễ này lên mời gọi thầy của mình từ trên trời về chứng giám lòng thành của người con nuôi.
Công việc quan trọng nhất trong ngày “Hết Chá” là dựng cây nêu. Cây nêu được đặt trang trọng ở giữa không gian của lễ hội. Người Thái quan niệm rằng: Các vị thần linh và tổ tiên của người Thái sẽ về trú ngụ trong cây nêu này để chứng kiến lòng thành của con người trong ngày “Hết Chá”.
Bắt đầu khai hội, thầy mo (chính là người thầy lang chữa bệnh) làm lễ cúng. Bài cúng của ông thầy mo kể lại về công việc lao động của con người, những vất vả lo toan. Rồi câu chuyện dẫn dắt dần vào những sinh hoạt hết sức đời thường của con người như đi khai hoang, đi cày, đi hái lượm, từ tình yêu đôi lứa trong trắng đến sự dối lừa không thủy chung…
Dân bản sửa soạn dựng cây nêu để làm lễ. Theo truyền tích của người Thái, các vị thần linh và và tổ tiên về sẽ trú ngụ trong cây nêu.
Hoạt cảnh người dân chung sức bảo vệ bản làng.
Thầy mo thổi sáo cho những điệu xòe mời gọi thần linh về chứng giám.
Hoạt cảnh bắt cá trên đồng (vai nữ giả làm nam) được pha những yếu tố hài hước gây cười làm cho người xem sảng khoái. Thông qua hoạt cảnh dân gian này cha ông người Thái muốn nhắn nhủ con người nên siêng năng lao động.
Một chàng trai (do nữ đóng) đang tán tỉnh một cô gái (do nam đóng) đang lao động trên đồng. Hoạt cảnh này muốn gửi thông điệp tới người xem là con người sẽ tìm được hạnh phúc của mình khi cần cù lao động.
Hoạt cảnh cày ruộng trên đồng. Thông qua hành động của người cày và con trâu (do người đóng) muốn nhắn nhủ người Thái tôn trọng và quý mến con trâu – “đầu cơ nghiệp” đối với cư dân trồng lúa nước.
Những người được chữa khỏi bệnh trong mường đến dâng rượu và cảm ơn thầy mo và thần linh để được nhận làm con nuôi.
Những hoạt cảnh trong Hết Chá khiến người xem được những trận cười sảng khoái và bài học sâu sắc.
Kết thúc hội, bà con lại tay trong tay múa điệu xòe đoàn kết.
Bên cạnh đó còn có những điệu xòe uyển chuyển, nhịp nhàng đôi lúc tung hứng nhộn nhịp, khỏe khoắn hòa cùng tiếng chiêng, trống rộn rã và âm thanh trầm bổng của đội nhạc “tắng bụ” (nhạc cụ gõ bằng tre) mời gọi… Những hoạt cảnh mô phỏng sinh hoạt đời thường của người dân với những tình tiết dí dỏm, vui nhộn mà rất chân thực bởi những “nghệ sĩ” nghiệp dư. Người xem từ khắp bản trên, xóm dưới vừa kính cẩn lắng nghe những lời kể chuyện của thầy mo, lúc lại cười lên rộn ràng với câu chuyện như: Vực trâu đi cày vụ mới, Xúc cá, Tuần tra bảo vệ xóm làng… Tất cả đều rất gần gũi mà cũng rất sâu sắc, những thói hư tật xấu bị phơi bày, những nét đẹp, cái hay cái tốt trong cuộc sống được khích lệ. Người xem như cuốn hút vào với mỗi vai diễn, với mỗi tích trò, họ như tìm thấy được niềm vui, sự đồng cảm và cả điều hay lẽ phải trong cuộc sống vẫn là mạch nguồn kết nối mỗi con người, mỗi gia đình trong cộng đồng làng bản.
Lễ hội “Hết Chá” vừa mang tính tâm linh, vừa mang tính nhân văn sâu sắc bởi những thông điệp về sự tôn trọng, biết ơn với những người đã cứu giúp mình, đạo lý tôn sư trọng đạo của người Thái đối với tổ tiên, thần linh.
Bài: Thông Thiện. Ảnh: Yên Ninh